MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi 200 email kết thân với hy vọng sự nghiệp thăng tiến, tôi chỉ bị từ chối 3 lần và đây là bí kíp để lọt vào "mắt xanh" của những người tài giỏi

07-08-2020 - 19:31 PM | Sống

Mở rộng mạng lưới quan hệ cũng chính là mở rộng góc nhìn và tầm hiểu biết của chính mình.

Tôi chưa từng thấy mẹo này để thành công hiệu quả hơn cái này - lời khuyên mà tôi nghe suốt từ cha: Cách tốt nhất để có được thứ bạn muốn là làm quen với những người đã sở hữu nó.

Đây là lời khuyên tôi đã sử dụng trong suốt sự nghiệp của mình. Trong vài năm qua, tôi đã liên lạc được với 200 cá nhân mà tôi nghĩ là tài giỏi, xin cơ hội để trò chuyện với họ. Chỉ có 3 người từ chối lời đề nghị của tôi (thật ra là 4, bởi Oprah Winfrey chưa từng hồi đáp). Việc gửi những “email ngẫu nhiên” (cold email) này giúp tôi xây dựng được một mạng lưới để hỗ trợ, kết nối và đem đến nhiều cơ hội cho chính mình.

Viết được một email mà người khác không chỉ chịu đọc mà còn sẵn sàng trả lời tích cực là một kỹ năng cực kỳ giá trị. Dưới đây là cách mà tôi đã áp dụng.

Đừng cố gắng liên lạc với những người ngoài tầm với

Một điều tôi học được qua quá trình kết nối với người lạ, đó là thế giới ngoài kia có rất nhiều cá nhân tài năng có thể giúp bạn phát triển. Bạn không cần Oprah Winfrey, Bill Gates hay Tim Ferriss hay bất cứ nhân vật cấp cao khác - những người nhất định sẽ chẳng bao giờ có thời gian để gặp bạn. Hãy bắt đầu một cách khôn ngoan bằng cách tìm kiếm những người bạn tài năng của bạn bè bạn.

Bên cạnh đó, đừng chỉ kết nối với những người trong cùng ngành với bạn. Bạn sẽ được mở mang tầm mắt khi làm quen với những người biết nhìn mọi thứ dưới nhiều góc độ khác nhau.

Gửi 200 email kết thân với hy vọng sự nghiệp thăng tiến, tôi chỉ bị từ chối 3 lần và đây là bí kíp để lọt vào mắt xanh của những người tài giỏi - Ảnh 1.

Tiêu đề email là thứ rất quan trọng

Sau khi đã xác định được đối tượng muốn làm quen, bạn nên bắt tay vào viết email. Tiêu đề “Bạn của X” là một lựa chọn không tồi, nhưng chưa phải là duy nhất.

Trong một thử nghiệm nọ, doanh nhân kiêm tác giả Shane Snow đã phát hiện, tiêu đề email đơn giản như “Câu hỏi nhanh” tạo ấn tượng rất mạnh khi bạn làm quen với người mới. (Tuy nhiên, dân marketing đang áp dụng dần điều này, do đó độ hiệu quả của nó có thể giảm.)

Đối với tôi, tiêu đề “Cảm ơn” luôn là cách hiệu quả nhất để bắt đầu một cuộc trò chuyện. Mọi người thường không có thói quen viết thư cảm ơn, dù hành động đơn giản này có thể khiến bạn trở nên nổi bật mà không cần phải tỏ ra khoe mẽ.

Xác định rõ mục đích khi viết email

Khi tôi bắt đầu nghiêm túc hơn trong chuyện viết lách, doanh nhân kiêm diễn giả Conor Neil đã cho tôi lời khuyên: Khi soạn thảo một bài viết, hãy viết ở trên cùng của trang giấy: “Sau khi đọc cái này, tôi muốn độc giả…?” Ông ấy bảo tôi sử dụng câu hỏi như kim chỉ nam dẫn dắt cho bài viết của mình.

Bạn có thể áp dụng phương pháp này khi viết email. Bạn cần có một kế hoạch rõ ràng, kể cả khi tất cả những gì bạn muốn chỉ đơn giản là một cuộc gọi điện thoại để hiểu rõ thêm về đối phương. Hãy đảm bảo rằng mục đích trình bày của bạn rõ ràng, để thông điệp mà bạn gửi đi có thể giúp bạn đạt được điều mong muốn.

Gửi 200 email kết thân với hy vọng sự nghiệp thăng tiến, tôi chỉ bị từ chối 3 lần và đây là bí kíp để lọt vào mắt xanh của những người tài giỏi - Ảnh 2.

Nắm vững “Nguyên tắc số 7”

Một trong những nguyên tắc lâu đời nhất trong marketing chính là “Nguyên tắc số 7”. Theo đó, khách hàng tiềm năng cần phải được tiếp xúc với thông điệp từ nhà quảng cáo 7 lần trước khi có bất kỳ động thái nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nếu bạn gửi thư đi mà không được hồi đáp, bạn nên gửi lại 6 lần nữa. Bạn nên hiểu theo hướng: Đối phương sẽ cởi mở hơn với email từ bạn nếu họ thấy tên bạn có chút gì đó quen thuộc.

Hãy cố gắng để đối phương biết về tên tuổi của bạn trước khi bạn liên lạc trực tiếp với họ. Chia sẻ về thành quả của họ trên mạng xã hội cũng là một cách hữu ích. Nếu bạn có blog riêng, hãy viết một bài mô tả công việc của họ đã ảnh hưởng tích cực tới bạn như thế nào và tag họ trên mạng xã hội để cảm ơn vì nguồn cảm hứng. Bạn nên nghĩ ra những cách thức sáng tạo và đừng cố làm quá nhiều việc cùng lúc bởi điều đó có thể khiến họ thấy phiền.

Cho đối phương thấy công việc của họ đã giúp bạn học hỏi nhiều điều

Những người thành công thường nhận được rất nhiều email và yêu cầu kết bạn từ người hâm mộ. Để giúp email của bạn trở nên nổi bật, hãy viết rõ rằng bạn đã theo dõi công việc của họ trong một thời gian dài (thay vì chỉ quan tâm nhất thời) và nó đã ảnh hưởng đến bạn theo cách đặc biệt. Bạn có thể sử dụng công thức: “Nhờ những gì ông/bà đã làm trong dự án X, tôi mới có thể hoàn thành được Y”.

Tôi hay trích dẫn một chi tiết nhỏ trong công việc của họ, thứ đã giúp cuộc sống của tôi dễ chịu hơn. Ví dụ, tôi luôn ngưỡng mộ năng lượng và khiếu hài hước mà Noah Kagan - founder của AppSumo - đem đến cho công việc. Nhưng thay vì nói thẳng với Kagan điều này, tôi để cho ông ấy biết là tôi đang viết bài về thứ mà ông ấy đã từng nhắc đến trong một tập podcast. Tôi đã hỏi Kagan rằng làm thế nào để tôi đề cập đến công việc của ông một cách tốt nhất. Nhờ vậy, chúng tôi tuy không ngay lập tức trở thành bạn thân, nhưng đã hẹn nhau để nói chuyện thêm sau đó.

Trước khi nhờ giúp đỡ, hãy nghĩ xem bạn giúp gì được cho đối phương

Để tạo dựng một mối quan hệ, việc cho đối phương biết rằng mối quan hệ giữa hai người sẽ đem lợi ích hai chiều là rất quan trọng. Chẳng hạn, nếu người đó đang viết sách, bạn có thể làm việc trong đội ngũ phát hành của họ. Nếu họ đang kinh doanh, bạn có thể làm designer giúp họ tạo ra một website thân thiện với người dùng. Một trong những thói quen tốt nhất mà bạn có thể thực hiện, đó là tự hỏi bản thân mỗi ngày “Làm sao để có thể khiến cuộc sống của mọi người xung quanh tốt đẹp hơn?”.

Gửi 200 email kết thân với hy vọng sự nghiệp thăng tiến, tôi chỉ bị từ chối 3 lần và đây là bí kíp để lọt vào mắt xanh của những người tài giỏi - Ảnh 3.

***

Đây không phải là lời khuyên đúng trong mọi hoàn cảnh. Có những người quá bận rộn, có những người thì không ưu tiên gặp gỡ người mới vào lúc này. Tuy nhiên, bạn vẫn nên học hỏi phương pháp này. Khi mở rộng mạng lưới quan hệ, bạn cũng hiểu biết thêm nhiều hơn về thế giới của chính mình.

Bài chia sẻ của Michael Thompson - huấn luyện viên nghề nghiệp chuyên viết bài cho Fast Co, Business Insider, Inc...

(Theo Medium)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên