Gửi hội chị em hay bất mãn chốn công sở: Muốn "bật" lại cấp trên, lên làm sếp vài ngày đi rồi biết!
Thử đặt mình vào hoàn cảnh của sếp, biết đâu chị em có thể thông cảm cho cấp trên của mình dễ dàng hơn.
Môi trường công sở buộc chị em phải tiếp xúc với rất nhiều kiểu người trong một ngày, bên cạnh khách hàng còn có đồng nghiệp đến từ các phòng ban khác nhau và thường xuyên nhất phải kể đến sếp.
Làm việc trực tiếp với sếp, đôi lúc chúng ta khó tránh khỏi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi bởi phải cẩn thận đủ đường từ hành động, cử chỉ đến lời nói để tránh những sai lầm không đáng có làm xấu hình ảnh bản thân gây dựng được.
Và chắc hẳn không ít lần, chúng ta đã từng muốn "bật" lại sếp một cách hoành tráng, rõ ràng và mạch lạc cho thoả những bí bách và dồn nén. Tuy nhiên, việc "bật" lại sếp như vậy đối với chị em công sở mà nói có tác động như thế nào và câu chuyện sẽ diễn tiến theo chiều hướng ra sao sau một trận cãi vã?
Tưởng "bật" được sếp là hay?
Linh (25 tuổi) là nhân viên truyền thông của một công ty quảng cáo tại thành phố Hồ Chí Minh. Vốn là người năng động, cá tính, có năng lực cũng như kinh nghiệm vài năm làm việc, Linh khá tin tự khi phải đối mặt với những quyết định quan trọng trong công việc.
Trước giờ, trong công ty, Linh được mệnh danh là "thánh cãi" bởi cô rất hay đưa ra quan điểm một cách thẳng thắn mà không kiêng nể người đang trao đổi với mình là đồng cấp hay sếp.
Trong một lần tự mình đưa ra quyết định mà chưa thông qua ý cấp trên, Linh bị sếp gọi vào phòng mắng cho một trận nên thân: "25 tuổi đầu, kinh nghiệm 3 năm làm việc, em tưởng em là ai. Phải chăng đôi ba dự án được khen khiến em "ảo tưởng" vào năng lực bản thân. Đến quy trình còn không tuân thủ thì nói gì đến việc đưa ra những quyết định lớn lao. Kiểm điểm lại để nhận biết bản thân mình là ai ngay từ thời điểm này".
Đó là lần đầu tiên từ ngày ra trường đến giờ, Linh bị mắng nhiếc nặng lời đến vậy. Máu nóng bừng bừng, Linh tung cửa bước ra, gói ghém đồ đạc rồi xách ba-lô rời công ty không một lời nhắn nhủ. Hôm đó, Linh quyết định nghỉ việc mặc kệ mọi thứ ra sao thì ra.
Sau khi dành ra một buổi chiều tung tăng bung xoã, Linh thấy thoải mái hơn nhiều nhưng sự lo lắng bất chợt ập đến. Vào nhanh ứng dụng, nhắn cho sếp cái tin: "Chưa bao giờ em bị sếp nặng lời như vậy, chị làm như thế là không tôn trọng cũng như trân quý công sức của em".
Dán mắt vào màn hình trong trạng thái hồi hộp, Linh được sếp hồi đáp vài giây sau đó: "Độ tuổi của em cái tôi quá lớn, lúc nào cũng chỉ muốn đáp trả người khác mà không thật sự đặt cái "tâm" vào để lắng nghe. Nhớ lại những việc mình làm và những gì chị đã nói để hiểu mình đã đẩy câu chuyện đi xa đến mức nào. Nhưng không sao, chị luôn chào đón những người biết quay đầu". Sau đó, mọi chuyện cũng nhạt dần và Linh vẫn phải thực hiện công việc theo như cách mà sếp mong muốn.
Xem mình đủ "trình" hay chưa?
Vậy thì cãi sếp để làm gì? Nếu chị em thắng trong một cuộc cãi vã, có chắc là chúng ta có thể làm công việc được giao theo ý của mình, còn nếu thua, chắc chắn chị em vẫn phải thực hiện nó theo ý của sếp. Chẳng có phương án nào có lợi cho chúng ta cả.
Trong trường hợp may mắn gặp được một người sếp từng trải và thấu hiểu, có thể những lỗi lầm mà chị em đã gây ra sẽ mau chóng nhoà đi trong ký ức của sếp; tuy nhiên, có những tổn thương (nhất là bằng lời nói) sẽ rất khó có thể quên đi, đặc biệt đối với những người nhỏ nhen hay để bụng.
Chưa kể, việc xung đột với sếp hay đơn giản hơn là gay gắt với đồng nghiệp chưa bao giờ mang đến cho chị em cảm giác dễ chịu cả. Việc này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu suất và chất lượng công việc của chính chúng ta.
Do đó, trước khi muốn cãi sếp, hãy tự nhìn nhận lại bản thân mình là ai, mình đang ở đâu và mình đã làm được những gì. Sau khi đã cân nhắc nhưng chị em vẫn muốn "bật" một cách bất chấp thì nên chuẩn bị trước tinh thần cho tình huống xấu nhất đó chính là mình buộc phải rời khỏi công ty.
Tuy nhiên, hơn hết, hãy biết tự kiềm chế và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Bởi hầu hết những mâu thuẫn thường xuất phát từ việc người ta không điều khiển được bản thân mình. Và dù có "nóng máu" đến đâu cũng đừng buông những lời lẽ nghiệt ngã và xúc phạm bởi nó sẽ để lại những vết thương khó phai mờ trong tâm trí đối phương.
Cuối cùng, muốn "bật" vì thấy sếp quá "chướng" và "vô lý", sao không thử lên làm sếp đôi ba ngày xem tình hình sẽ như thế nào. Đôi khi áp lực từ nhiều phía khiến sếp có những quyết định cũng như lời nói chưa hợp tai cho lắm. Tuy nhiên, càng vì thế, chị em càng phải đặt mình vào vị trí của sếp để hiểu và thông cảm.
Helino