Gửi tới y bác sĩ lời tri ân xúc động từ những bệnh nhân Covid-19: "Cảm ơn vì đã giành lại sự sống cho tôi từ tay tử thần"
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là một dịp đặc biệt để những bệnh nhân Covid-19 gửi gắm đến lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lời cảm ơn chân thành. Nhờ sự tận tuỵ, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, những bệnh nhân ấy đã thoát khỏi tử thần để trở về với cuộc sống khoẻ mạnh và bình an.
- 28-02-20211 ngày làm việc của "trợ lý mẹ bỉm sữa" cho giới nhà giàu: Phải đa-zi-năng để hoàn thành đủ thứ việc nhưng hưởng mức lương hậu hĩnh lên tới 10 triệu VND/h
- 28-02-2021Đặc điểm chung của những người giàu nhất Việt Nam: Tài sản khổng lồ nhưng kín tiếng, ai cũng tò mò họ đi xe gì?
- 28-02-2021Bạn luôn bị trì trệ trong công việc, bất kể lúc "thèm tiền" nhất? Đây là cách đơn giản giúp bạn giảm thiểu căng thẳng và tăng năng suất làm việc
Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ thời điểm Việt Nam ghi nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, cũng là hơn 1 năm lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế bước vào tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch đầy khốc liệt.
Ba đợt dịch đã bùng phát trên khắp cả nước, từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng và đến hiện tại là Hải Dương, tất cả đều không thể khuất phục tinh thần quả cảm, tận tâm của các y bác sĩ từ lực lượng y tế dự phòng cho đến công tác điều trị.
Hôm nay 27/2 là ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhân ngày đặc biệt của toàn ngành y tế, một phóng sự đầy xúc động đã được VTV phát sóng trong chương trình Thời sự 19h cùng ngày. Phóng sự là sự chia sẻ của những chiến sĩ áo trắng đã và đang xông pha nơi tâm dịch, cũng là lời tri ân chân thành, sâu sắc đầy xúc động đến từ những bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị thành công.
"Khi chúng tôi còn sức khỏe, chúng tôi sẽ làm đến khi nào để mọi người có thể trở về cuộc sống bình thường"
TS. Bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng đồng nghiệp đã "chinh chiến" khắp các ổ dịch từ Sơn Lôi đến Đà Nẵng. Hơn 1 tháng qua, bác sĩ Nghĩa đã bám trụ xuyên Tết ở Hải Dương để thực hiện tổ chức điều tra dịch tễ, truy vết đến phân tích, định hướng phương pháp phòng chống dịch.
Chỉ cần 1 cuộc điện thoại chỉ đạo là lên đường ngay, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào và không biết trước ngày về - đó là đặc thù công việc của đội ngũ y tế dự phòng như bác sĩ Nghĩa. Anh chia sẻ: "Chúng tôi xác định một tâm thế là phải cùng địa phương vào cuộc quyết liệt, 24/24 có mặt ở 'chiến trường' chống dịch".
TS. Bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Ảnh cắt từ phóng sự)
Cũng hơn 1 tháng qua, TS. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng về hỗ trợ Hải Dương chống dịch. Gác lại niềm vui đoàn tụ bên gia đình, anh cùng hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua 1 cái Tết đặc biệt tại nơi có hàng nghìn người đón Tết ở bệnh viện dã chiến và khu cách ly. Anh và đồng nghiệp tất cả luôn mặc trang phục bảo hộ y tế trong các ca trực, chẳng thể phân biệt được ai với ai nếu không có dòng tên viết vội ở lưng áo.
Xa gia đình, Tết cũng ở nơi xa, bác sĩ Dũng có rất nhiều tâm sự. Thế nhưng với anh, chỉ cần nhiệm vụ lớn được thực hiện thì những nỗi lo nhỏ hơn sẽ dần biến mất.
Bác sĩ Dũng chia sẻ: "Trong cái nỗi lo riêng thì có cái nỗi lo chung, nếu nỗi lo chung được hoàn thành thì những nỗi lo riêng sẽ dần dần được tan biến đi. Đã đi vào nghề thì chúng ta phải gắn bó với nghề, có trách nhiệm với nghề".
TS. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh cắt từ phóng sự)
Dù bảo hộ cỡ nào thì đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế cũng luôn đối diện nguy cơ lây nhiễm, dù phân công 3 ca 4 kíp họ cũng không tránh khỏi căng thẳng và mệt mỏi. Thậm chí, họ làm việc đến quên mất cả thì giờ, thời gian chỉ đong đếm qua những ca trực trong bệnh viện hoặc khu cách ly.
Bác sĩ Vương Xuân Toàn - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang hỗ trợ tại "tâm dịch" Hải Dương nói: "Ở bệnh viện dã chiến này thì mình không còn phân biệt được thứ ngày tháng nữa, tinh thần luôn là trong chiến trường chống dịch".
Hay như bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn - Thành viên Tổ chống dịch đặc biệt Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hiện ở Hải Dương cũng chia sẻ: "Anh em lúc nào cũng sẵn sàng lên đường, mọi người tham gia gần như là quên hết thời gian, quên hết cả việc hôm nay là thứ mấy".
Bác sĩ Vương Xuân Toàn - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh cắt từ phóng sự)
Tâm huyết, trách nhiệm, lăn xả là tâm thế của tất cả thầy thuốc bám trụ nơi tuyến đầu, thành điểm tựa niềm tin, động lực cho mọi người chung tay chiến thắng dịch bệnh, trở lại với cuộc sống bình thường mới.
Từ Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu cũng đã có những chia sẻ về thời điểm khi anh còn "bám trụ" tại bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân. Khi ấy, nghe tiếng con gọi trong điện thoại anh rất nhớ nhà, thế nhưng nỗi nhớ tạm phải quên đi khi anh bước vào phòng bệnh và nhìn thấy những bệnh nhân chờ được mình điều trị.
"Nghe những câu con hỏi là 'Con nhớ ba quá, khi nào ba về' nhiều khi mình xót xa. Nhưng khi mỗi buổi sáng bước chân vào bệnh viện, nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân chưa được điều trị khỏi thì lại tiếp tục lao vào. Khi chúng tôi còn sức khỏe, chúng tôi sẽ làm đến khi nào để mọi người có thể trở về cuộc sống bình thường" - bác sĩ Linh nói.
Sự lạc quan, kiên cường của những bác sĩ đang chiến đấu nơi tâm dịch (Ảnh cắt từ phóng sự)
"Cảm ơn vì đã giành lại sự sống cho tôi từ tay tử thần"
Nhờ trí tuệ cùng bản lĩnh kiên cường, trách nhiệm với nghề và tinh thần quan tâm đến người bệnh, đến hiện tại, đội ngũ y bác sĩ đã điều trị thành công cho hơn 1800 bệnh nhân Covid-19 trên cả nước. Đó là một thành quả hết sức xứng đáng với công sức mà những chiến binh áo trắng đã tận tuỵ, giúp Việt Nam trở thành một điểm sáng trong công tác phòng chống dịch bệnh trong mắt thế giới.
Dịch Covid-19 là lý do chúng ta phải giãn cách với nhau, nhưng cũng chính là cái cớ để trái tim xích lại gần, đặc biệt là giữa những người mắc bệnh và những y bác sĩ.
Trong rất nhiều lời cảm ơn gửi gắm tới đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, đặc biệt nhất có lẽ chính là tâm sự của cụ bà Lê Thị Hiền (100 tuổi) bệnh nhân Covid-19 số 592. Cụ Hiền chính là bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi nhất Việt Nam, chiến thắng Covid-19 một cách kỳ diệu khi mang trong mình căn bệnh nền suy tim.
Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, cụ Hiền có những khoảng thời gian rơi vào trạng thái nguy kịch và tái dương tính nhiều lần. Những buổi điều trị chuyên môn, hội chẩn tích cực của các chuyên gia từ các bệnh viện lớn liên tục được tổ chức, tất cả dồn sức để cùng cụ Hiền không đầu hàng trước dịch bệnh.
Cho đến ngày 11/9/2020, cụ Hiền có kết quả âm tính SARS-CoV-2 lần thứ 3, được trở về cùng với gia đình. Bà Hồ Thị Hiền - con gái của cụ không giấu nổi giọt nước mắt khi được cùng mẹ trở về nhà: "Được về, mẹ khóc lên".
Cụ bà Lê Thị Hiền (Ảnh cắt từ phóng sự)
Covid-19 chẳng bỏ sót một ai, từ những người cao tuổi như cụ Hiền cho đến cả những em bé chỉ mới vài ngày tuổi. Một bệnh nhi chỉ mới 21 ngày tuổi thế nhưng đã rất kiên cường cùng lực lượng y bác sĩ chiến thắng dịch bệnh. Mẹ của bé đã thay con gửi lời cảm ơn chân thành đến những người hùng thầm lặng, dặn con rằng khi lớn lên hãy phải biết ơn người đã giúp con được khoẻ mạnh như bây giờ: "Con nhớ bác sĩ nào điều trị cho con không? Sau này lớn lên con phải biết ơn bác sĩ nhé".
Bệnh nhi Covid-19 chỉ mới 21 ngày tuổi (Ảnh cắt từ phóng sự)
Những lời tri ân sâu sắc cũng được những bệnh nhân Covid-19 khác gửi tới lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế khắp cả nước. Trong một dịp đặc biệt như ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, toàn cộng đồng xin gửi tới những chiến binh áo trắng sự biết ơn chân thành. Nhờ có sự hy sinh của các anh, chị mà người dân được sống cuộc sống ngày nay khoẻ mạnh, yên tâm và bình thường.
Bệnh nhân số 82: "Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất".
Bệnh nhân số 793: "Tôi xin gửi lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã hết lòng, tận tuỵ giành lại sự sống cho tôi từ tay tử thần".
(Ảnh cắt từ phóng sự)
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự tự hào về những y bác sĩ, những cán bộ y tế:
"Cán bộ y tế của chúng ta trong năm qua đã không ngại khó khăn, gian khổ và chấp nhận những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mình để sẵn sàng để đi vào những tâm dịch. Có những bác sĩ 3 tháng, 6 tháng không về nhà vì phải liên tục điều trị và cách ly ở trong bệnh viện, đảm bảo bệnh nhân liên tục được chăm sóc và điều trị. Có những con người đã trải qua tất cả các ổ dịch ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, đã đi mỗi ổ dịch như vậy là hơn 1 tháng trời, chỉ về nhà khi Bộ Y tế cho phép về.
Chúng tôi rất tự hào với đội ngũ y tế hiện nay. Chúng ta có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, đặc biệt hơn chúng ta có tinh thần đoàn kết, có ý chí, có khát vọng để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Chúng tôi tin rằng với đội ngũ y tế như vậy, toàn ngành y tế sẽ làm nên các chiến thắng.
Tôi xin được gửi những lời tri ân, cảm ơn tới tất cả gia đình, người thân của những nhân viên y tế đã gánh vác trọng trách trong gia đình để những người bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi".
Doanh nghiệp và tiếp thị