MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ giá chào bán 50%, cổ phiếu DIG sẽ "ngon, bổ, rẻ"?

17-10-2022 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Sau hai lần hạ giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ 30.000 đồng/cổ phiếu, xuống còn 15.000 đồng/cổ phiếu, liệu cổ phiếu DIG của DIC Corp có còn sức hút?

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (HoSE: DIG) đã thông qua phương án chào bán thêm tối đa 100 triệu cổ phiếu DIG với giá 15.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ thực hiện tối đa 1.000 : 163,97. Giá chào bán đã giảm 50% so với kế hoạch chào bán cổ phiếu hồi đầu năm.

Hạ giá chào bán 50%, cổ phiếu DIG sẽ ngon, bổ, rẻ?  - Ảnh 1.

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra mới đây, cổ đông của DIC Corp đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm 50% so với kế hoạch hồi đầu năm.

Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý I/2023. Nếu phát hành thành công, DIC Corp sẽ có thêm tối đa 1.500 tỷ đồng, đồng nghĩa với vốn điều lệ của DIC Corp sẽ tăng từ hơn 6.099 tỷ đồng lên hơn 7.099 tỷ đồng.

Theo phương án chào bán, DIC Corp muốn huy động tối thiểu 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán, tương ứng 1.050 tỷ đồng, để đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai).

Trong trường hợp số cổ phiếu mới phát hành không được cổ đông hiện hữu mua hết, ĐHĐCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT phân phối tới cổ đông DIC Corp hoặc người khác với điều kiện không được thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho cổ đông hiện hữu và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn khẳng định việc huy động 1.500 tỷ đồng không phải do doanh nghiệp thiếu tiền, mà nhằm đáp ứng phục vụ đầu tư các siêu dự án. Ông cho biết, hiện tại DIC Corp hiện có hơn 2.200 tỷ đồng tiền gửi, dự kiến đầu năm 2023 sẽ có thêm 5.000 tỷ đồng nữa.

“Việc chào bán cổ phiếu tăng vốn không phải vì DIC Corp thiếu tiền, mà tăng vốn để phù hợp năng lực, đưa DIC Corp ngang bằng với những doanh nghiệp, tập đoàn khác”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, DIC Corp nắm trong tay khoảng 22 dự án bất động sản ; và dự kiến mở thêm kênh đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp, và một số lĩnh vực mới mang tính lâu dài.

Chủ tịch DIC Corp cũng khẳng, sẽ hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2022 là 1.900 tỷ đồng, bất chấp các doanh nghiệp nói chung và nhóm bất động sản nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Ông cũng cam kết DIC Corp sẽ trả cổ tức với mức tỷ lệ trên dưới 25%.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, DIC Corp đạt hơn 1.094 tỷ đồng doanh thu thuần; lợi nhuận sau thuế đạt gần 143 tỷ đồng, giảm 2% về doanh thu và tăng 51% về lợi nhuận. Riêng trong quý II, DIC Corp đạt hơn 575 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng, nhưng dòng tiền kinh doanh của DIC Corp trong quý II/2022 âm hơn 1.900 tỷ (cùng kỳ âm 353 tỷ). Bên cạnh việc ghi nhận khoản chi hơn 1.700 tỷ đồng cho bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ như cùng kỳ, khoản chi khác của doanh nghiệp cũng tăng đột biến từ 436 tỷ đồng lên gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền thuần trong kỳ của DIC Corp vẫn dương do doanh nghiệp vay và bán lại công cụ nợ hơn 3.000 tỷ.

>>>PET xoay xở trả nợ, phát hành cổ phiếu tăng vốn có hấp dẫn?

Tính đến 30/6, tổng tài sản sản của DIC Corp đạt trên 16.000 tỷ đồng, không biến động nhiều so với thời điểm cuối tháng 3. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của DIC Corp vẫn là hàng tồn kho với hơn 5.370 tỷ đồng (tăng gần 40% so với đầu năm và tăng thêm 34% so với cuối tháng 3), kế đến là các khoản phải thu ngắn hạn gần 4.220 tỷ đồng.

Hạ giá chào bán 50%, cổ phiếu DIG sẽ ngon, bổ, rẻ?  - Ảnh 2.

Cổ phiếu DIG đã giảm gần 74% so với đỉnh giá đạt được hồi đầu năm.

Theo Chứng khoán SSI, DIC Corp khá tham vọng trong việc tìm kiếm các khu đất mới để bổ sung vào quỹ đất của mình, với hơn 10 dự án hiện đang được nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, SSI cho rằng, để có được một dự án mới, chủ đầu tư phải trải qua rất nhiều giai đoạn như đề xuất đầu tư, phê duyệt quy hoạch tổng thể, đấu giá đất và các thủ tục khác. Thường mất nhiều năm để hoàn thành tất cả quy trình này và chi phí cho quỹ đất mới sẽ cao hơn đáng kể do phương thức đấu thầu mới. Điều này có thể là thách thức đối với công ty khi mở rộng nhiều dự án cùng một lúc.

SSI cũng cho rằng, so với các chủ đầu tư nổi tiếng khác ở phía Nam như NLG, DXG, NVL, khả năng phát triển dự án của DIC Corp vẫn còn gặp một số khó khăn do giá đất đền bù tăng cao và pháp lý dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Do đó, doanh số bán và ghi nhận lợi nhuận giai đoạn 2021-2022 chỉ đến từ một số dự án như Nam Vĩnh Yên, DiG star CSJ và một vài các dự án khác. Trong 2 năm qua, nguồn lợi nhuận chính của DIC Corp chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính và thoái vốn khỏi dự án Đại Phước.

“Mặc dù có giá trị tiềm năng từ quỹ đất chiến lược, nhưng giai đoạn triển khai các dự án này có thể gặp nhiều thách thức do phí sử dụng đất ở nhiều tỉnh như Đồng Nai và Vũng Tàu đang tăng mạnh. Do đó, tổng chi phí phát triển sẽ tăng và có tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận trong tương lai. Chưa kể, việc triển khai các dự án mới và hoạt động huy động vốn trên thị trường bất động sản hiện nay tương đối chậm, khiến dòng tiền cần cho DIC Corp để phát triển các dự án trong tương lai càng khó khăn hơn”, chuyên gia của SSI nhận định.

Trên thị trường, cổ phiếu DIG chốt phiên giao dịch ngày 14/9 đạt thị giá 25.550 đồng/cổ phiếu. Tính từ vùng đỉnh giá đạt được hồi đầu năm với thị giá 98.200 đồng/cổ phiếu (ngày 11/1), đến thời điểm hiện tại cổ phiếu DIG đã giảm gần 74%, đồng nghĩa với vốn hóa thị trường của DIC Corp cũng đã “bốc hơi” hơn 44.306 tỷ đồng.

Giới phân tích cho rằng, việc cổ phiếu DIG “lao dốc” mạnh cũng là nguyên nhân chính khiến DIC Corp đã phải hai lần hạ giá chào bán cổ phiếu từ 30.000 đồng xuống 20.000 đồng/cổ phiếu, rồi 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm 50% so với kế hoạch chào bán hồi đầu năm.

“DIC Corp là một doanh nghiệp lớn, nắm trong tay một quỹ đất khủng, với nhiều dự án khủng có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng thị giá cổ phiếu cũng chỉ ngang hàng với doanh nghiệp SME. Sau khi cổ phiếu “lao dốc”, cổ đông cũng không còn mặn mà với các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, điều này minh chứng cho việc DIC Corp phải mất 2 lần mới tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường, khác hẳn với thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên hồi đầu năm. Bên cạnh đó, mặc dù sở hữu nhiều dự án khủng, nhưng pháp lý các dự án vẫn đang dở dang, điều này cũng ảnh hướng lớn đến tiến độ triển khai các dự án của DIC Corp”, một vị chuyên gia đánh giá.

Theo Đình Đại

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên