MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hạ nhiệt” giá phân bón bằng cách nào?

28-06-2022 - 11:27 AM | Thị trường

Sau khi lập đỉnh lịch sử cao nhất trong 50 năm trở lại đây, giá phân bón trên thế giới và trong nước đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, quan ngại việc phân bón tăng trở lại vẫn còn chờ chực.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng nhưng tới gần 200% về giá trị. Giá phân bón trong nước liên tục tăng suốt hai năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể phân ure các loại khoảng 17.600 đồng/kg, kali khoảng 18.000 đồng/kg, DAP từ 22.500 - 27.000 đồng/kg...

Lý giải cho việc giá phân bón tăng phi mã trên thị trường thế giới và Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật giải thích: “Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19, do xung đột Nga – Ukraine dẫn đến nguồn cung về phân bón bị đứt gãy. Thứ hai là, lượng phân bón nhập khẩu của chúng ta, hiện nay chúng ta chỉ sản xuất được phân bón đạm và lân, còn phân kali là nhập 100% nên nguồn này cũng bị động. Thứ 3 là, trong thời gian vừa qua thì do dịch bệnh khiến việc vận chuyển logistic đứt gãy dẫn đến tình trạng giá cả vật tư nói chung tăng cao, trong đó có phân bón”.

Theo đó, để “hạ nhiệt” giá phân bón đang tăng cao như hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra 3 nhóm giải pháp gồm:

Thứ nhất là, chủ động, khuyến cáo các nhà máy sản xuất phân bón trong nước vận hạnh công suất tối đa để đáp ứng được nhu cầu sản xuất phân bón trong nước.

Thứ hai là, thực hiện cắt giảm hợp đồng sản xuất phân bón để đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước.

Thứ ba là, hợp lý hóa các chi phí sản xuất, duy trì giá bán theo chi phí nguyên liệu để phân bón đến tay người nông dân với mức giá hợp lý nhất.

Doanh nghiệp "thiệt đơn thiệt kép" vì nạn phân bón giả

“Hạ nhiệt” giá phân bón bằng cách nào? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ về các giải pháo của Cục Bảo vệ thực vật


Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ giao Bộ Công Thương thực hiện: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi luật thuế số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón chịu thuế GTGT; Thứ hai, đề xuất và áp dụng thuế xuất khẩu đối với phân bón để phù hợp với các cam kết quốc tế mà hiện nay Việt Nam là thành viên, đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức triển khai các hội nghị về thực trạng và giải pháp sử dụng phân bón, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn tập trung chỉ đạo sản xuất để nhằm tăng cường chất lượng, để thanh tra, kiểm tra đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón.

Bên cạnh nỗi lo phân bón tăng giá mạnh, người nông dân cũng đang đối mặt trường kỳ với nạn phân bón giả. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nhà nước có quy định, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả. Các loại phân này không đủ điều kiện để được công nhận, nhưng vẫn được bán tại các cửa hàng do giá nhập thấp. Trên thực tế, các loại phân bón giả, kém chất lượng rất khó được phân biệt bằng mắt thường. Người dân khi đi mua, cửa hàng đưa cho loại nào thì mua loại đó. Điều này không chỉ tác động đến người nông dân trồng trọt trực tiếp mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đau đầu với nạn phân bón giả.

Trở lại phân bón tăng giá cao, năm 2021, với biến động của thị trường dầu lửa toàn cầu, nhiều doanh nghiệp phân bón-hóa chất đã đại thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân bón đột ngột hạ nhiều, nhiều doanh nghiệp đang lo hàng tồn kho chất đống.

Bên cạnh đó, một số các chính sách cũng đang cho là "gây khó" cho doanh nghiệp.

Đầu tháng 6/2022, để đảm bảo nguồn cung, hạ nhiệt giá mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón vô cơ, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm (như ông Đạt đã nêu trên).

Tuy nhiên, đề xuất đưa thuế phân bón vô cơ có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm, vốn trước đây thuế suất thuế xuất khẩu là 0%, nay tăng lên 5% đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón phản đối do "Thực tế là phân bón urê nhập khẩu về Việt Nam không bị đánh thuế nhập khẩu, nhưng phân bón urê xuất khẩu đi sẽ bị áp 5%, đây là sự bất hợp lý".

Giới chuyên gia cảnh báo, trước mắt chưa thể xác định xu hướng giá phân bón có thực sự hạ nhiệt trong dài hạn hay không. Bởi giá phân bón, phân ure, phụ thuộc lớn vào giá dầu thế giới. Đây là một ẩn số đối với dự báo biến động trong 6 tháng cuối năm tới đây khi còn phụ thuộc vào chiến sự Nga - Ukraine cũng như các chính sách, chiến lược năng lượng của nhiều quốc gia. Do đó, mọi chính sách lẫn động thái ứng xử với hàng tồn kho của doanh nghiệp cần sự đánh giá cẩn trọng.


Theo Nguyễn Quang

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên