MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ nhiệt giá xăng dầu: Nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Để góp phần giảm giá xăng dầu, đại diện nhiều bộ, ngành kiến nghị, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường; đề xuất Quốc hội xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đang đánh vào mặt hàng này.

Doanh nghiệp trông ngóng

Hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% (thậm chí hơn) trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không và đường bộ. Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành giao thông vận tải, điện...

Hạ nhiệt giá xăng dầu: Nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1.

Giá xăng tăng cao khiến DN vận tải điêu đứng. Ảnh: Bốn Việt


Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Cty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (chuyên kinh doanh vận tải tuyến Hải Phòng-Hà Nội) cho biết, trước tình hình giá xăng dầu tăng như hiện nay, doanh nghiệp vận tải đã không còn khả năng chịu đựng. Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí của doanh nghiệp vận tải, trong khi đó doanh nghiệp khó tăng cước vì hành khách ít. Trước đây, 300 xe của công ty chạy hết công suất, nhưng nay chỉ chạy cầm chừng. Theo ông Hải, càng cho xe chạy càng lỗ nên thời gian tới, công ty sẽ dừng hẳn việc chạy xe tuyến cố định đường dài để chuyển sang chạy xe theo mô hình khác.

Hiện nay, giá mỗi lít xăng RON 95 là 32.873 đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 13 lần tăng giá. Thuế trong giá xăng E5RON92 chiếm tỉ trọng khoảng 23,4%, trong xăng RON95 khoảng 24,1% và trong dầu diesel khoảng 12,7% (với mức thuế BVMT đang được giảm 50%).

“Việc giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít không có tác động mấy đến giá xăng. Quan trọng nhất là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Doanh nghiệp vẫn mong mỏi lắm”, ông Hải nói.

Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng cũng không khỏi lo lắng về hoạt động của công ty thời gian tới. Với doanh nghiệp vận tải, chi phí xăng dầu chỉ khoảng 30%. Nhưng hiện tại, chi phí đó đã tăng lên 50%. Nếu con số này không giảm, doanh nghiệp không còn cơ hội phục hồi sau dịch bệnh. Hiện nay, Sao Việt cũng chỉ có 50% chuyến xe hoạt động, lượng khách giảm đáng kể sau dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, với giá xăng tăng cao như hiện nay, nếu các doanh nghiệp taxi không tự điều chỉnh nguồn thu - chi, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

"Trong 2 năm ngừng trệ do COVID-19, các doanh nghiệp đã bỏ hết nguồn lực ra để lo rồi. Đến bây giờ với tình hình biến động xăng dầu lớn như thế này, tôi e rằng nhiều doanh nghiệp không trụ nổi. Không điều chỉnh giá để giữ khách hàng thì mất người lao động; mà điều chỉnh giá cao, ảnh hưởng đến lượng khách hàng”, ông Hùng nói.

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa diễn ra chiều 22/6, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, kiến nghị đến Bộ Tài chính nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu (như giảm nhiều loại thuế với xăng dầu): Giảm thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt; xem xét quy định về thuế nhà thầu với kho ngoại quan; quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu...

Nên giảm thêm thuế TTĐB

Theo Bộ Tài chính, thuế trong giá xăng E5RON92 chiếm tỉ trọng khoảng 23,4%, trong xăng RON95 khoảng 24,1% và trong dầu diesel khoảng 12,7% (với mức thuế BVMT đang được giảm 50%). Để góp phần giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất giảm thuế BVMT với mức 1.000 đồng/lít cho mặt hàng xăng là hợp lý. Việc cắt giảm thuế BVMT thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội nên có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022.

Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. Trước đó, trên báo Tiền Phong, một số chuyên gia cũng đã đề xuất bỏ thuế TTĐB đang đánh lên xăng dầu.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội xăng dầu vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành, nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Do đó, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó tập trung vào giải pháp: tìm được nguồn cung dồi dào giá rẻ.

Liên quan đến thuế đang đánh lên xăng dầu, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế. Hiện nay, xăng dầu chịu các sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Về thuế bảo vệ môi trường, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm 1.000 đồng/lít. Còn về thuế TTĐB nếu giảm phải trình Quốc hội theo đúng quy định.

Theo Ngọc Linh - Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên