Hạ nhiệt vé máy bay: Các ông lớn du lịch Vietnam Airlines, Vinpearl, BIM Group, Thiên Minh Group… đồng loạt đề xuất bỏ khoản phí thanh toán khỏi giá vé
Trước thực trạng giá vé máy bay ngày càng tăng cao, Nhóm nghiên cứu Hội đồng Tư vấn Du lịch đã đề xuất các doanh nghiệp các giải pháp để giảm giá vé máy bay, khôi phục thị trường du lịch nội địa. Một trong những giải pháp là bỏ phí thanh toán vé máy bay ra khỏi giá vé.
- 14-06-2024Chuyên gia: Vé máy bay tại Thái Lan rẻ do có nhiều hãng cùng khai thác, Việt Nam chỉ có hai 'ông lớn' chia miếng bánh thị phần
- 11-05-2024Kết quả kiểm tra giá vé máy bay của 4 hãng hàng không
- 07-05-2024Thiếu máy bay nghiêm trọng: Chỉ còn 170 chiếc, giá thuê quá 'chát'
Ngày 30/5, bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cục Hàng không đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá vé máy bay nội địa. Nhóm nghiên cứu Hội đồng Tư vấn Du lịch gồm Vietnam Airlines, Vinpearl, BIM Group, CEO Group và TMG đã đưa ra các đề xuất cho doanh nghiệp, nhấn mạnh các công ty hàng không bỏ phí mua vé máy bay.
Theo thông lệ, nhiều hãng hàng không quy định mức phí thanh toán là 50.000 đồng/khách/chặng (chưa bao gồm thuế VAT 10%). Cụ thể, khi thanh toán vé máy bay bằng thẻ Visa hoặc thẻ nội địa, khách hàng sẽ chịu khoản phí trên mỗi vé máy bay. Khoản phí này khi đi kèm các thuế, phí… khác khiến giá máy bay đội lên cao.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc khách hàng phải chịu khoản phí khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng là đi ngược lại với xu hướng không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, báo chí cũng ghi nhận ý kiến nhiều bạn đọc đề xuất bỏ phí mua trực tuyến vé máy bay và cho rằng quy định này không khuyến khích khách hàng mua vé máy bay trực tuyến, gây bất lợi cho khách hàng.
Việc bỏ khoản phí này không chỉ có ý nghĩa giảm tổng chi phí cần thanh toán của khách hàng, mà còn thể hiện nỗ lực, sẵn sàng của hãng hàng không trong việc giảm giá vé máy bay.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phối hợp với doanh nghiệp du lịch đưa ra những gói dịch vụ trọn gói combo gồm vé máy bay và lưu trú, trong đó có những phiếu giảm giá của các doanh nghiệp hàng không và khách sạn tham gia chương trình. Các hãng hàng không cần cam kết với công ty du lịch ổn định cả về giá cả và chất lượng.
Thực trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao khiến Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phải đề cập tới một thực trạng nghịch lý: "Người dân đi từ TP.HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan rồi mới về Hà Nội". Theo thống kê từ Bộ Giao thông vận tải, giá vé trung bình của Vietnam Airlines so với cùng kỳ năm trước đã tăng từ 14% đến 20%.
Điều này tác động tiêu cực tới du lịch nội địa. Ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng khi các doanh nghiệp lữ hành phải "né" đường bay để giảm giá tour; đồng thời giá vé máy bay tăng khoảng 20% kéo theo giá tour cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn cũng cần vào cuộc. Khách sạn áp dụng chính sách nhận phòng (check-in) và trả phòng (check-out) linh hoạt. Chính sách này cho phép khách tự quyết định thời gian nhận và trả phòng 24/7 không phải trả phí trả phòng muộn hay nhận phòng sớm.
Đời sống pháp luật