MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan, bộ ngành sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử

22-03-2021 - 08:45 AM | Bất động sản

Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan, bộ ngành sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày mai 22/3, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lễ công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng...

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 25/2, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và dự kiến ban hành trong quý 1/2021. Đây là nhiệm vụ cụ thể hóa việc triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, để đi đến được quyết định quan trọng này, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; cụ thể đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành; các bộ, ngành liên quan; Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố; đánh giá kết quả tiếp thu hoàn thiện các đồ án quy hoạch trên cơ sở ý kiến của các bên liên quan.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, trong định hướng Quy hoạch này, khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 tiểu khu để kiểm soát phát triển. Trong đó, khu vực Hoàn Kiếm (H1A, B, C) thuộc khu vực ký hiệu A3, 4, 5 là khu vực Khu phố Cổ, phố Cũ và Hồ Gươm phụ cận. Khu vực Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa thuộc khu vực ký hiệu A7.

Tổng diện tích đất được quy hoạch hơn 2.700 ha, dân số hiện trạng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người.

Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan, bộ ngành sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử - Ảnh 1.

Bản đồ quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử.

Ông Lưu Quang Huy cho biết, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đã được tổ chức lấy ý kiến chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư liên quan và đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu và có văn bản giải trình. Quy hoạch cũng đã tổ chức công khai thông tin lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về những chỉ tiêu quy hoạch vượt/ không đạt so với quy định đối với các đồ án nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế quản lý và tính khả thi khi triển khai.

Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hoá, lịch sử. Thành phố cũng đã xin ý kiến và đã tiếp thu, hoàn chỉnh theo các ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tập thể UBND Thành phố, Hội đồng thẩm định Quy hoạch xây dựng Thành phố.

Để bảo đảm tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tổng quy mô dân số tại khu vực Hoàn Kiếm là khu vực Khu phố Cổ, phố Cũ và Hồ Gươm và vùng phụ cận cần giảm khoảng trên 215.000 người.

Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan, bộ ngành sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử - Ảnh 2.

Đối với giải pháp giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử, quan điểm của Thành phố là từ năm 2020-2030 khi Hà Nội đang từng bước triển khai các dự án: Di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực Nội đô; phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh… Trước mắt cần từng bước thực hiện lộ trình giảm dân trong khu vực theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Về lâu dài, khi thành phố triển khai đồng bộ các Dự án trên sẽ dần thu hút dân số dịch chuyển ra; khi đó cần kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt.

Ông Lưu Quang Huy cũng cho biết, ngoài giải pháp di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử, khi thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của Thành phố và địa phương, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học. Cụ thể là triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.

Theo An Nhiên

Vneconomy

Trở lên trên