MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội 3 năm không rửa đường: Ô nhiễm bụi gia tăng

11-10-2019 - 08:28 AM | Xã hội

Ba năm qua thành phố Hà Nội dừng hoàn toàn việc rửa đường, thay thế bằng loạt xe quét hút hiện đại. Thế nhưng, xe quét hút vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, ô nhiễm bụi ngày càng gia tăng.

Sau 2 ngày chất lượng không khí được cải thiện nhờ mưa, sáng ngày 10/10, ô nhiễm không khí ở Hà Nội với chỉ số quan trắc của nhiều trạm đo ở ngưỡng đỏ - ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.

Hà Nội 3 năm không rửa đường: Ô nhiễm bụi gia tăng - Ảnh 1.

Ông Vũ Đăng Định - người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: Khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. Thực tế hiện nay, Hà Nội được ví như “đại công trường” với hàng loạt dự án, công trình lớn nhỏ đang triển khai thi công khiến lượng bụi phát sinh rất lớn. 

Trên tuyến đường Minh Khai (phường Vĩnh Tuy), nơi vừa giải phóng mặt bằng mở đường và đang xây dựng tuyến đường vành đai 2 trên cao, cùng công trình dân sinh khiến tuyến đường này luôn ô nhiễm bụi bẩn, mặt đường lổn nhổn sỏi đá nguy hiểm.

Người dân trên các tuyến phố cho biết, nhiều năm nay không còn thấy xe tưới nước rửa đường hoạt động nên đường rất bụi bặm, khói bụi, ô nhiễm, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng cao điểm. Thực tế, nhóm PV ngồi ở quán nước sát vỉa hè gần ngã tư cầu Mai Động - Kim Ngưu, chỉ trong vòng 5 phút, mặt điện thoại đã phủ lấm tấm những hạt bụi nhỏ.

Ông Đặng Văn Hòa (55 tuổi) cho biết, trước đây có xe rửa đường tôi thấy rất thiết thực, đặc biệt trong việc chống bụi. Những ngày nắng nóng, xe rửa đường đi qua cũng giúp hạ nhiệt mặt đường. Tuy nhiên, đã lâu không còn nhìn thấy loại xe này hoạt động nữa, người dân phải tự chống bụi bằng cách lấy nước trong nhà phun ra ngoài đường. “Nhưng cũng chỉ được một lúc, bởi đường khô thì bụi lại quẩn lên còn nhiều hơn trước”, ông Hòa nói.

Xe quét rác hiện tại gây ô nhiễm

Tại một sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mỗi năm trung bình thành phố mất khoảng 70 tỷ đồng cho việc tưới nước rửa đường. Để tiết kiệm số tiền này, Hà Nội đã nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác từ Đức. Theo đó, mỗi chiếc xe này có giá 1 tỷ đồng, hút được khoảng 1,5m3 bụi, rác mỗi ngày. Mỗi xe có công suất bằng 12 công nhân.

Việc rửa đường được Hà Nội “cắt” khỏi các danh mục đấu thầu dịch vụ công ích từ năm 2017. Một năm trước đó, dịch vụ công này cũng đã được yêu cầu tạm dừng, thay thế bằng máy

quét hút.

Nhưng khi tập trung cơ giới hóa quét, hút bụi lại xuất hiện hiệu ứng ngược. Đơn cử như phản ánh của người dân trên đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm), ghi lại hình ảnh một chiếc xe quét hút đi dọc dải phân cách trên đường. Xe đi đến đâu, bụi hút từ dưới phun ra phía sau mờ mịt khiến người dân vô cùng bức xúc.

Xe quét rác gây ô nhiễm không còn xa lạ với nhiều người dân. Bà Hạnh (phường Thanh Lương) cho biết, trước cổng nhà bà đang có công trình thi công hạ cáp ngầm, mỗi lần xe hút rác đi qua đoạn này, bụi hất tung lên vô cùng ô nhiễm. Khách ăn ở quán có xe hút quét tới là tất cả đều phải bưng bát chạy vào trong nhà. Nhiều người dân đặt câu hỏi về tính hiệu quả, cũng như khẩu hiệu “chống lãng phí” trong trường hợp này.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một công nhân môi trường cho biết, quét sạch được hay không phụ thuộc địa hình và cả… trình độ người lái. Địa hình là những ngóc ngách, hay trên vỉa hè người dân để xe máy nhiều thì rất khó dùng máy quét. Về trình độ thì người quét phải lựa, tránh các loại như đũa, túi ni lông… nếu hút phải những loại này thì sẽ gây tắc cổ hút, rác không hút được, bụi phun mù mịt phía sau. Nếu để chổi không sát mặt đường hay chạy tốc độ không phù hợp thì bụi không quét được rác mà thành… máy thổi bụi.

Hà Nội tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói mỗi năm

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Chính phủ gửi báo cáo tới Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô. Báo cáo nêu rõ, sau 6 năm thi hành Luật Thủ đô, quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Hà Nội đã được ban hành. Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.

Tuy nhiên, báo cáo nhận định, ô nhiễm nguồn nước và không khí trên địa bàn thành phố đang xảy ra khá phổ biến. Tốc độ đô thị hóa của thành phố càng diễn ra nhanh chóng bao nhiêu, thì đi kèm với đó là chất lượng môi trường đã và đang giảm sút nghiêm trọng… Báo cáo viện dẫn nguồn từ nhiều tờ báo để minh họa cho tình trạng này. Đáng lưu ý, nhiều con số được dẫn trong báo cáo được công bố từ năm 2005 và được dùng đi dùng lại trong nhiều báo cáo, nghiên cứu nhiều năm qua.THÀNH NAM

Theo cơ quan chức năng Hà Nội, một trong những biện pháp giảm bụi là phải rửa đường đã bị thành phố cho dừng. Các biện pháp giảm phát bụi từ các xe vận chuyển đất đá, công trình xây dựng không tuân thủ quy định che chắn, hoặc che chắn sơ sài khiến bụi phát sinh...


Theo Trần Hoàn

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên