Hà Nội cần khẩn trương triển khai quy hoạch sông Hồng, các thành phố trực thuộc
Nghị quyết của Chính phủ nêu, thành phố Hà Nội cần khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống để sắp xếp ổn định dân cư hai bên sông; quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, nội đô lịch sử, trong đó trước mắt nghiên cứu xây dựng thành phố (đô thị loại II) trực thuộc Thủ đô.
- 01-12-2022Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô: Lấy sông Hồng làm trục trung tâm
- 27-10-2022Cẩn trọng với những khu vực tăng giá ảo khi quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng
- 23-09-2022Quy hoạch đô thị sông Hồng: Thị trường diễn biến ra sao sau cơn sốt đất?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12 ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 .
Theo Nghị quyết, về công tác quy hoạch, thành phố cần khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Nghị quyết của Chính phủ nêu nhiệm vụ, thành phố Hà Nội cần sớm triển khai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ảnh: PV.
Cùng với đó, rà soát hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.
Chính phủ cũng nêu, Hà Nội cần phối hợp với các địa phương trong Vùng Thủ đô thực hiện có hiệu quả hoặc rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 768 ngày 6/5/2016 theo hướng toàn diện hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô và các địa phương trong giai đoạn tới.
Một nhiệm vụ khác là đẩy nhanh việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 của thành phố Hà Nội, lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để đảm bảo quỹ đất phù hợp, thống nhất với các quy hoạch đã được phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ quy trình chuyển đổi đất nông thôn thành đất đô thị theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị.
Hà Nội cần khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống để sắp xếp ổn định dân cư hai bên sông; quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, nội đô lịch sử, trong đó trước mắt nghiên cứu xây dựng thành phố (đô thị loại II) trực thuộc Thủ đô; sớm nghiên cứu xác định và xây dựng quy hoạch phát triển các đô thị có vị trí, chức năng đặc thù, gắn với khu công nghiệp, khu chế xuất, bến cảng, sân bay…
Phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng tổ chức lập quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành; xây dựng lộ trình và biện pháp di dời phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, bảo đảm tính khả thi.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh hiện đại của Thủ đô; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống với kiến trúc đẹp hiện đại, đặc trưng cho bản sắc và tạo điểm nhấn cho Thủ đô; hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật; cải tạo chỉnh trang, phục hồi hệ thống sông Hồng …
“Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) và mô hình đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài”, Nghị quyết nêu.
Tiền phong