Hà Nội: Cho bạn mượn điện thoại cài đặt app theo lời "công an", 2 người bay sạch tiền trong mọi tài khoản
Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều người dân do cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có những trường hợp do cho người thân hoặc bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo dịch vụ công.
- 02-03-2024334 người bị lừa đảo hơn 5,2 tỷ đồng vì vé xem show Taylor Swift
- 26-02-2024Nhận cuộc gọi từ người mặc trang phục công an, người phụ nữ vội chuyển hơn 1 tỷ đồng để "xác minh", cảnh báo chiêu lừa đảo quen thuộc
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng và truyền thông đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, về tội phạm công nghệ cao nhưng trên thực tế, với những chiêu trò vô cùng tinh vi của bọn lừa đảo thì vẫn không ít người bị “sập bẫy”.
Nổi lên gần đây là phương thức lợi dụng việc lực lượng công an ra quân hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, các đối tượng đã tạo các phần mềm giả mạo, sau đó giả danh công an yêu cầu người dân cài đặt để chiếm quyền điều khiển điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.
Một trong các nạn nhân là anh H. (trú tại Hà Nội) do cho bạn mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công nên bị chiếm đoạt tài sản. Tại trụ sở Công an, anh H. cho biết bạn của mình là anh K. nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phường yêu cầu đến cơ quan Công an để cập nhật tài khoản định danh cá nhân.
Do anh K. bận công tác nên không thể trực tiếp đến cơ quan Công an làm việc. Đối tượng thông báo với anh K. là Bộ Công an có chủ trương hỗ trợ qua mạng để thuận tiện cho công dân và hướng dẫn anh K. sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để tải phần mềm và cài đặt ứng dụng giả mạo Dịch vụ công.
Tuy nhiên, do anh K. không sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android nên đã mượn điện thoại của anh H. để cài đặt ứng dụng giả mạo theo yêu cầu của đối tượng. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu anh K. truy cập vào tài khoản ngân hàng để thanh toán phí dịch vụ. Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin về số tài khoản, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng của anh K. khi đăng nhập trên điện thoại của anh H.
Sau khi phần mềm cập nhật xong và chiếm được quyền điểu khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch và thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của tất cả các tài khoản ngân hàng lưu trong máy điện thoại của anh H. và tài khoản ngân hàng anh K. vừa đăng nhập.
Anh H. không phải là trường hợp duy nhất bị lừa theo hình thức này, trước đó, anh P.Đ.A trú tại chung cư Hà Nội Homeland, ở Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0982.474..., tự xưng là Tuấn - công an Quận Long Biên đang ở phường Bồ Đề hỗ trợ căn cước công dân của một số người bị lỗi hệ thống..
Anh Đ. A cho biết, anh được hướng dẫn anh vào Chrome, vào mục tìm kiếm tải một đường link dịch vụ công và anh đã làm theo các bước hướng dẫn, download và cài về máy, cấp quyền truy cập để được hỗ trợ xử lý thẻ căn cước. Theo trí nhớ của anh Đ.A, trang web phần mềm này có giao diện màu đỏ hình Quốc huy, bên trên ghi là dịch vụ công (App: Dịch vụ công.apk)
Theo anh Đ.A, qúa trình này diễn ra trong khoảng 50 phút, giai đoạn cuối, anh Đ.A có cho app chụp lại mặt trước thẻ căn cước công dân và chuyển khoản 12.000 đồng vào skt Kho bạc Quận Long Biên.
Đến 19h cùng ngày, Đ.A mở thẻ tài khoản ngân hàng thì phát hiện, tài khoản ngân hàng của mình có giao dịch tự chuyển đi hơn 20 triệu đồng vào số tài khoản khác.
Thấy bất thường, anh Đ.A vội vàng kiểm tra 3 tài khoản ngân hàng khác của mình thì phát hiện tiền trong các tài khoản trên điều bị chuyển sạch. Trong đó, có một tài khoản ngân hàng không truy cập vào được. Sau khi nhờ ngân hàng kiểm tra thì Đ.A mới “tá hoả” phát hiện tài khoản đó đã bị hack và chạy trên một thiết bị khác.
Ngay tối hôm đó, anh Đ. A đã trình báo công an. Đến sáng 13/3, qua hệ thống các ngân hàng, nạn nhân nay mới biết mình đã bị lừa đảo gần 853 triệu đồng.
Để phòng ngừa với thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân:
1. Không cài đặt hoặc cho người thân, bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công, phần mềm không rõ nguồn gốc.
2. Khi người thân, bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc cần kiểm tra rõ thông tin trước khi cho mượn.
3. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.
4. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.
Phụ nữ số