Hà Nội: Chợ Mai Động di dời gấp, tiểu thương cuống cuồng xả hàng với giá rẻ bèo
Sau khi nhận được thông tin buộc phải trả lại mặt bằng trong vòng 4 ngày, nhiều tiểu thương đã vội vàng tìm cách thanh lý toàn bộ hàng hóa với giá rẻ bèo.
- 11-03-2024Chợ Mai Động thông báo đóng cửa gấp, hàng trăm tiểu thương không kịp trở tay
- 27-02-2024Cảnh tượng khách nước ngoài xếp hàng chờ ăn bánh tôm ở một khu chợ tại Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ
- 21-02-2024Tiểu thương chợ Thủ Đức tá hỏa khi giá thuê sạp tăng từ 2,5 - 4 lần
Thông tin quy hoạch chợ Mai Động (quận Hoàng Mai) đã được thông báo nhiều năm nay, các tiểu thương buôn bán tại chợ cũng đã đồng thuận và chờ ngày chuyển đi. Tuy vậy, thông báo chợ Mai Động phải dừng hoạt động trước ngày 29/2 để trả lại mặt bằng cho dự án mở rộng đường Tam Trinh chỉ có trước 4 ngày khu chợ bị cắt điện, cắt nước hoàn toàn.
Việc này đã khiến 300 tiểu thương kinh doanh tại đây không khỏi bàng hoàng và đến giờ vẫn mắc kẹt vì chưa thanh lý hết hàng.
“Chúng tôi đã đồng thuận việc trả lại mặt bằng chợ cho dự án, tuy nhiên chỉ cho chúng tôi 4 ngày để dọn hàng thì quá gấp gáp, không tiêu thụ hết hàng thì lỗ nặng" , một tiểu thương lo lắng nói.
Ông cho biết, ngay khi nhận được thông báo, ông đã cùng các tiểu thương khác gọi người đến thanh lý hàng tồn. Tuy nhiên, các đầu nậu khi biết tin tiểu thương ở chợ Mai Động buộc phải thanh lý hàng gấp thì ép giá xuống mức “rẻ như đồng nát".
Chị Tạ Thị Thủy, người buôn bán chăn ga, gối đệm 13 năm qua tại chợ cũng tiếc nuối nói: “Tôi có 5 gian hàng, biết bao nhiêu hàng hóa, giờ giá có rẻ mấy cũng phải thanh lý cho hết, gỡ được đồng nào hay đồng đó" .
“Hàng của tôi, những tấm đệm gấp giá khoảng 300.000 đồng thì thọ thu mua với giá 100.000 đồng/chiếc. Chăn 75.000 - 80.000 đồng thì họ thu mua với giá 10.000 đồng; gối được họ mua 10.000 đồng, gối nhỏ chỉ 5.000 đồng, giá khác gì hàng đồng nát đâu!" , chị Thủy dẫn chứng.
Nhìn cả đống hàng ở 6 quầy hàng của mình bị bốc lên xe tải, bán thanh lý để thu về tổng cộng 35 triệu đồng, chị Thủy cay đắng chia sẻ: “Không bán nhanh mà cứ để đấy thì đến lúc hết thời gian di dời, hàng hóa cũng bị lu đi hết. Tôi không còn lựa chọn nào khác".
Đáng nói là giá rẻ như vậy mà chị Thủy còn phải gọi điện cầu cứu hết mối này đến mối khác thì người ta mới đến thu mua.
Theo chị Thủy, có cả trăm tiểu thương chung cảnh ngộ như chị. Thậm chí, thiệt hại như chị vẫn thuộc dạng ít, còn có những người kinh doanh hàng đắt tiền, tổng tiền hàng lên tới cả 500 - 600 triệu đồng, nhưng sau khi thanh lý xong, thu về còn chưa đến 100 triệu đồng.
Các tiểu thương cho biết, hiện khu chợ đã ngừng cấp điện nước, cũng không có bảo vệ nên ai cũng sợ mất hàng, phải tìm cách thanh lý nhanh gọn. Không ít người phải thức đêm thức hôm đóng hàng để "bán tháo" cho mối buôn.
Bà Nguyễn Thị Dung, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Mai Động cũng ấm ức: “Một mình tôi thân già 70 tuổi, họ chỉ cho 4 ngày thì làm sao tôi dọn hết 5 quầy hàng được".
Bà Dung đã kinh doanh tại chợ này 25 năm, với mặt hàng đồ gia dụng như nồi, chảo, chổi, gang tay, áo mưa…Mấy ngày nay, thứ gì dọn được thì đã dọn về nhà nhưng hầu hết hàng hóa vẫn còn tại khu chợ vì bà lực bất tòng tâm.
“Tôi đành phải treo biển “hàng thanh lý” ra phía ngoài, ai mua gì thì luồn qua khe cửa khóa trái mà bán cho người ta với giá rẻ, thêm được đồng nào hay đồng đấy. Chứ tôi nhất định không bán thanh lý cho đầu nậu. Họ ép giá quá, rẻ còn hơn giá đồng nát, tôi thà mang đi từ thiện còn hơn" , bà Dung nói.
Mặc dù vậy, hầu hết các tiểu thương tại đây đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ việc hoàn trả mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng đường Tam Trinh. Tuy nhiên, điều băn khoăn của họ là vấn đề hỗ trợ trước và sau khi di dời cần phải có phương án hợp lý vì công việc buôn bán trong chợ Mai Động vốn là nguồn thu nhập chính của hơn 300 hộ kinh doanh.
Dự án xây dựng đường Tam Trinh được UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư từ năm 2012, có chiều dài trên 3.500m, tổng mức đầu tư 2.066 tỉ đồng, điểm đầu nối với đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Vành đai 3.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trì trệ do vướng giải phóng mặt bằng của hơn 200 hộ dân thuộc địa bàn phường Yên Sở và Mai Động. Nguyên nhân chủ yếu do người dân không đồng tình với đơn giá bồi thường, hỗ trợ và giá bán nhà tái định cư.
Hồi cuối năm 2023 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh từ năm 2016 - 2026. Tổng đầu tư dự án là 3.354 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.287 tỉ đồng.
VTC News