Hà Nội: Chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng sẽ không được phát triển các dự án nhà ở mới
UBND TP. Hà Nội cho biết, sẽ kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.
- 21-11-2022HoREA kỳ vọng Tổ công tác của Chính phủ khẩn trương làm việc với UBND Hà Nội, TP.HCM và sớm gặp trực tiếp doanh nghiệp bất động sản
- 21-11-2022GS. TSKH Đặng Hùng Võ: Thuế bất động sản của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu
- 21-11-2022Hàng trăm nghìn môi giới bất động sản bất ngờ “mất việc”
Không cho phép chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng đầu tư dự án nhà ở mới
Theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian qua, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại còn một số bất cập, chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp quỹ bảo trì, diện tích thuộc sở hữu chung; bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng; chỗ để xe,...
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; ứng xử của một số chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư, cộng đồng dân cư và một số cá nhân còn thiếu chuẩn mực, chưa tuân thủ theo các quy định của pháp luật; việc giải quyết đơn thư, kiến nghị chưa được kịp thời dẫn đến một vài khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận…
Để xảy ra các tồn tại trên có nguyên nhân do hệ thống các quy định pháp luật của nhà nước trong việc vận hành, quản lý nhà chung cư thương mại còn một số bất cập, chưa đồng bộ; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng nhà chung cư của một số tổ chức cá nhân chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị. Việc bàn giao kinh phí bảo trì, bàn giao diện tích sở hữu chung, diện tích sở hữu riêng... cho các ban quản trị còn chậm và chưa đầy đủ;…
Ngoài ra, một số ban quản trị còn vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý nhà chung cư.
Trước tình trạng trên, UBND TP. Hà Nội đề ra những nội dung khắc phục, như: Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.
Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.
Tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung, công tác phòng cháy, chữa cháy để kịp thời phát hiện, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm…
Kịp thời tham mưu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về nhà ở...
UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố…
TP. Hà Nội cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại, hạn chế. Công an thành phố điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định pháp luật…
Hoàn thiện quy định về vận hành, quản lý nhà chung cư
Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thời gian qua, việc quản lý nhà chung cư, các quy định pháp luật tương đối đầy đủ để điều chỉnh hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, giúp việc quản lý, vận hành nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp và khắc phục cơ bản được những tồn tại trước đây.
Song, Bộ trưởng cũng thừa nhận, vẫn còn những dự án nhà ở, tình trạng cư dân căng băng rôn, thậm chí tập trung đông người yêu cầu chủ đầu tư phải trả cho người mua nhà sổ hồng, sổ đỏ. Điều này, Bộ trưởng cho rằng do quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đảm bảo.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, Bộ Xây dựng nhận thấy có 5 nội dung nổi lên về tranh chấp, khiếu nại liên quan đến vận hành, quản lý nhà chung cư.
Cụ thể là chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, như thành lập ban quản trị và quy chế thu, chi tài chính của ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; không thống nhất lựa chọn đơn vị vận hành, quản lý nhà chung cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã thanh tra và kết luận, xử lý những hành vi vi phạm của chủ đầu tư cũng như yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình vận hành, quản lý nhà chung cư.
Song, cũng có những hành vi liên quan đến vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới bên cạnh rà soát, xây dựng pháp luật để hoàn thiện quy định về vận hành, quản lý nhà chung cư như trong Luật Nhà ở mà Bộ Xây dựng đang dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.
Nhịp sống thị trường