Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, đang rà soát báo cáo Bộ Xây dựng
UBND thành phố Hà Nội đang đốc thúc các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn và yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 30/3/2017.
- 09-02-2017Đề xuất hoán đổi căn hộ trong cải tạo, xây mới chung cư cũ
- 03-02-2017Hà Nội lập phương án cải tạo 19 khu chung cư cũ
- 29-12-2016Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhúc nhích đến bao giờ?
Nội dung công văn của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, Bộ Xây dựng có văn bản số 312/BXD-GĐ gửi UBND thành phố về việc báo cáo tổng hợp theo nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng mới nhận được báo cáo từ 35 địa phương, trong đó, có một số địa phương chưa triển khai thực hiện hoặc chưa báo cáo cụ thể về số lượng công trình thuộc đối tượng cần đánh giá.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá bước 1 và phân loại, xác định các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực gồm: Nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm; các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn. Trong quá trình kiểm tra, cần sử dụng kết quả kiểm định đã thực hiện trong thời gian 3 năm gần nhất.
UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng chủ trì đôn đốc các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng và UBND thành phố. Yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 30/3/2017.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 5 tầng. Qua hơn nửa thế kỷ, tất cả các chung cư này đều đã hết niên hạn sử dụng. Trong số đó, có tới 104 chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, có hàng chục công trình đã xuống cấp ở mức độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở.
Đối với thành phố Hà Nội, bài học từ vụ biệt thự 107 Trần Hưng Đạo và nhà số 43 phố Cửa Bắc sụp đổ cho thấy việc bảo đảm chất lượng công trình luôn đi đôi với sự an nguy tính mạng của cư dân. Chính vì vậy việc đốc thúc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn là việc làm vô cùng cấp bách.
Trí Thức Trẻ