Hà Nội: Còn 11 tháng để hoàn thành việc cấp sổ đỏ
Khảo sát vào cuối năm 2015, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ cấp sổ đỏ tại Hà Nội được xếp loại thấp nhất trong các dịch vụ hành chính công. Do vậy, để hoàn thành cơ bản việc cấp sổ đỏ vào tháng 7/2017 đang là một thách thức không nhỏ đối với Hà Nội...
- 23-08-2016Hà Nội: 13 năm, UBND xã "ỉm" hơn 150 sổ đỏ của dân
- 19-08-2016“Xong hợp đồng mua bán, người mua nhà ở xã hội được cấp sổ đỏ luôn”
- 17-08-2016Bộ Xây dựng gỡ vướng làm sổ đỏ cho nhà ở xã hội
Dịch vụ cấp sổ đỏ không chỉ Hà Nội mà ở các địa phương khác cũng thường là dịch vụ làm người dân bức xúc, khiếu nại nhiều nhất. Bởi đây là việc nhà nước xác định quyền sở hữu tài sản bất động sản có giá trị lớn đối với người dân, động chạm tới nhiều vấn đề. Thực tế, việc sử dụng quản lý đất đai từ trước đến nay theo quy định của pháp luật qua từng thời kỳ lịch sử đối với các cấp chính quyền, tổ chức chưa tốt, chưa bài bản nên việc xác định quyền sở hữu bất động sản để cấp sổ đỏ thường gặp khó khăn.
Phức tạp thường là do việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, xem chủ sở hữu có lấn chiếm đất hay không và mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất đã đúng pháp luật chưa hoặc việc giao đất có đúng thẩm quyền không… Ngoài ra còn xem xét các đơn vị, tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư tại các dự án phát triển nhà ở sử dụng đất có vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng hay không… Vì tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến việc cấp sổ đỏ. Để xác minh được quyền sở hữu bất động sản đòi hỏi nhiều thủ tục hành chính chặt chẽ và vì thế dễ xuất hiện nhiều thủ tục, quy định rườm rà, phức tạp, thậm chí không cần thiết bắt người dân phải gánh chịu.
Tuy phức tạp là vậy nhưng việc cấp sổ đỏ tính đến tháng 6/2016 theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận (GCN) cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp GCN, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; cấp được 54.000 GCN đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa...
Chưa kể các hồ sơ liên tục bổ sung đề nghị cấp sổ đỏ, hiện vẫn còn tồn đọng hơn 144.000 thửa đất còn vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục nghìn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch.
Trước thực trạng và yêu cầu cấp thiết việc cấp sổ đỏ như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ gắn với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với dịch vụ này. Trong chương trình cải cách các thủ tục hành chính của mình, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang có kế hoạch triển khai cấp sổ đỏ qua mạng, qua facebook tạo điều kiện thông thoáng minh bạch hơn cho dịch vụ. Nhưng để thực hiện được quả còn nhiều việc phải triển khai như: Chuẩn bị công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên môi trường cơ sở dữ liệu chung giữa các ngành thuế, kho bạc, cách truy cập sử dụng cho người làm, người dùng dịch vụ…, điều đó lý giải tại sao tới đến thời điểm này, cấp sổ đỏ qua mạng chưa thực hiện được.
Để trợ giúp cho việc này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã phải thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm xử lý, tháo gỡ những vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho người dân. Đồng thời với yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của Thành phố Hà Nội nên vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xác định công tác cấp sổ đỏ là một nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đến hết tháng 6/2017, cơ bản hoàn thành cấp sổ đỏ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Với yêu cầu như vậy đã thực sự đưa việc cấp sổ đỏ thành “phép thử” cho sự thành công của công tác cải cách hành chính của Hà Nội trong thời gian tới, nhất là phải rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ đất dự án, căn hộ. Đây cũng là việc cần làm nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hộ, gia đình thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đúng quy định Luật Đất đai năm 2013.
Sức ép là như vậy nhưng cấp sổ đỏ là một công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều về công tác cải cách hành chính nhưng để hoàn thành công việc tốt thì quan trọng nhất vẫn là cần tới chất lượng của cán bộ công chức, viên chức của Hà Nội về cả đạo đức và chuyên môn. Giải quyết vấn đề này là một sự thách thức lớn đối với Hà Nội. Vì chỉ họ mới xử lý được các vấn đề nảy sinh trong thực tế dựa trên việc vận dụng đúng đắn các văn bản pháp luật, các chỉ thị của UBND TP Hà Nội.
Hiện vẫn còn rất nhiều hồ sơ của các hộ gia đình nằm lưu cữu cả chục năm nay ở các quận, mặc dù các hộ này đã năm, bảy lần bổ sung các loại giấy tờ nhưng hồ sơ vẫn nằm im, không thấy thông báo gì thêm. Trong khi đó một số hộ có nguồn gốc đất tương tự lại được cấp sổ đỏ, đó cũng là lý do lý giải tiếng đồn trong dư luận về "phí bôi trơn” cho dịch vụ, ví dụ như các hộ ở phường Bồ Đề, Ngọc Thụy (quận Long Biên) đã phản ánh tình trạng này... Ngay cả một số hộ mua nhà chung cư cao cấp ở quận Hà Đông cũng gặp những nguyên nhân mà người dân không thể nào hiểu khi có hộ được cấp sổ đỏ, hộ thì chưa, mặc dù hồ sơ về tính chất giống nhau, không có gì phức tạp...
Một kinh nghiệm mới đây của Thành phố Hồ Chí Minh về cấp sổ đỏ mà Hà Nội có thể tham khảo, đó là buộc các công chức phải gửi thông báo tới các hộ để từng hộ biết tiến triển và thời gian cấp sổ đỏ cho họ.
Hy vọng, Hà Nội với phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” của công chức, viên chức, sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ theo đúng yêu cầu của Chủ tịch UBND Thành phố.