MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội đã kiểm tra được 3.789 đảng viên có dấu hiệu vi phạm

27-08-2016 - 08:34 AM | Xã hội

“Ủy ban Kiểm tra các cấp của Thành phố đã kiểm tra được 3.789 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó, có 1.435 trường hợp là cấp ủy viên các cấp; kiến nghị xử lý kỷ luật, rút kinh nghiệm 245 cá nhân, 314 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 39 vụ".

Đây là thông tin được Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy báo cáo với đoàn khảo sát Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết TW 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào sáng 26/8.

Chuyển cơ quan điều tra 39 vụ

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, bước đầu tình trạng tham nhũng, lãng phí được kiềm chế, ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi.

Theo đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Hà Nội luôn gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) để nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.

“Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã gợi ý kiểm điểm đối với 35 địa phương, đơn vị thuộc thành phố. Sau kiểm điểm đã quyết định luân chuyển, điều động 31 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó, có 3 Chủ tịch UBND quận và một số lãnh đạo sở, ngành thuộc thành phố. Hà Nội đã chủ động thực hiện công tác luân chuyển cán bộ gắn với hạn chế, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Từ năm 2012 đến 2015, thành phố đã luân chuyển 130 cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 441 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý” – ông Nguyễn Quang Huy báo cáo.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng được Thành phố chú trọng. Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra các cấp của Thành phố đã kiểm tra được 3.789 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó, có 1.435 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Thanh tra Thành phố và thanh tra chuyên ngành đã triển khai 3.222 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý trên 2.596 tỷ đồng, trên 2.453 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, rút kinh nghiệm đối với 245 cá nhân, 314 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 39 vụ. Riêng công tác phát hiện, khởi tố điều tra án tham nhũng, CATP Hà Nội đã phát hiện và khởi tố điều tra 213 vụ/541 bị can, tài sản thiệt hại lên tới trên 501 tỷ đồng, 428.300 m2 đất, thu hồi tài sản trên 167 tỷ đồng, 256.700 m2 đất…

Ngoài ra, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thành phố cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách thực hiện cụ thể. Qua đó, đã tiết kiệm trên 8.000 tỷ đồng trong quản lý sử dụng ngân sách; 1.449 tỷ đồng trong quản lý vốn đầu tư xây dựng…

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao kết quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trên địa bàn Hà Nội, nhất là sự cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Trung ương vào đặc thù của Thành phố, như việc ban hành Chương trình hành động toàn khóa về phòng, chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện... Hay như việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, kiểm tra, xử lý đơn thư tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội; việc tái thành lập Ban Nội chính Thành ủy; xử lý các vụ án tham nhũng… đều được Hà Nội triển khai tích cực và nghiêm minh.

Trưởng Ban Nội chính Phan Đình Trạc cũng nhấn mạnh, để giải quyết được, vấn đề hàng đầu là thể chế, xây dựng và hoàn thiện thể chế sao cho phù hợp, linh hoạt, sát thực tiễn, tính khả thi cao; rà soát lại các tiêu chuẩn, định mức để tránh thất thoát, lãng phí. Cùng đó, phải công khai, minh bạch để hiểu cho đúng và thực hiện cho đúng, nhất là công khai minh bạch về kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ. Đặc biệt phải đề cao vai trò của người đứng đầu cũng như phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, hiệu quả về thanh tra, kiểm tra, giám sát hay tự phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ vẫn còn hạn chế. Do đó phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dân tố cáo tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở đó, phải xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí ngay từ cơ sở để tránh gây bức xúc trong nhân dân. Cùng với đó, phải phát huy vai trò giám sát của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức đoàn thể, nhất là báo chí trong thực hiện phòng, chống tham nhũng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa, đề cao danh dự của cán bộ, đây là một giải pháp quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp thu những ý kiến góp ý của đoàn khảo sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, trong những năm qua, Hà Nội đã bước đầu kiềm chế được tham nhũng, lãng phí. Dù vậy, Hà Nội cũng vẫn còn những hạn chế trong công tác này và Thành phố sẽ tiếp thu để tập trung khắc phục, thực hiện tốt hơn, để phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một việc làm thường xuyên, một nếp văn hóa của cán bộ, công chức Thủ đô.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên