Hà Nội: Đá vỉa hè tuổi thọ 70 năm vừa lát đã hỏng
Nhiều đoạn vỉa hè lát đá tự nhiên trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Hà Nội sau chưa đầy 1 năm đã bị sụt lún, bong tróc, gây bức xúc trong dư luận...
- 12-04-2018Xử lý 21 cán bộ liên quan lát đá vỉa hè: Đã tương xứng?
- 11-04-2018Sau thanh tra lát đá vỉa hè, 21 cán bộ quận Hà Đông chỉ bị phê bình
- 06-04-2018Sai phạm lát đá vỉa hè: Hàng loạt cán bộ bị xử lý
- 22-02-2018Vụ lát đá vỉa hè: Giám đốc dự án vẫn được thăng chức
Vỉa hè đá tự nhiên bong tróc, hư hỏng ở nhiều tuyến đường
Ngày 1/10, ghi nhận trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, hình ảnh đập vào mắt PV là những đoạn vỉa hè nham nhở. Trong đó, vỉa hè trước cửa số nhà 64, 68, 70 Nguyễn Chí Thanh xuất hiện nhiều hố trồi sụt như ổ gà, ổ voi sâu hoắm. Còn trước số 76 (siêu thị Viet Mart) là những mảng đá lát bong tróc có diện tích lên đến hàng chục mét vuông.
"Làm sai để mà làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. Do đó, Hà Nội cần nghiên cứu lại xem vì sao vỉa hè vừa lát lại nhanh chóng xuống cấp, là do chất lượng gạch, đá tự nhiên hay do thi công sai?”.
TS. Nguyễn Ngọc Long
Phó chủ tịchHội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam
Theo một người dân tại đây, vỉa hè tuyến đường này được tôn tạo lại từ khoảng giữa năm 2017 và xuống cấp ngay thời điểm cuối năm, sau khi đưa vào khai thác khoảng 6 tháng. “Lúc đầu thấy người ta giới thiệu vật liệu là đá tự nhiên, dày dặn, nặng tới gần 18kg/tấm, song chỉ sau thời gian ngắn, hết vỡ rồi bong không chắc chắn bằng những viên gạch block cũ, dù vỉa hè ở đây ít khi có tình trạng ô tô leo lên vì nhỏ và diện tích cũng hầu như bị các cửa hàng tận dụng làm chỗ để xe cho khách”, người dân này nói.Kế đó, không gian đô thị trên đường Trần Duy Hưng cũng ngày càng nhếch nhác bởi sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè hai bên. Lưu thông từ cầu vượt Láng - Nguyễn Chí Thanh đến ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh và ngược lại, người đi đường khó có thể tìm được một đoạn vỉa hè nguyên vẹn, đặc biệt là bên phía dãy nhà lẻ. Nghiêm trọng nhất là khu vực vỉa hè trước trụ sở Bộ KH&CN, dưới chân cầu vượt cho người đi bộ khu vực Đại học Lao động - Xã hội, trước tòa nhà Euro Window… Thời điểm PV ghi nhận, cả một mảng đá lát vỉa hè trước số nhà 107 Trần Duy Hưng còn bị bật tung, trơ ra cốt nền chỉ có cát khô, những tấm đá tự nhiên bên cạnh chỉ cần dùng tay tác động nhẹ cũng có thể nhấc lên dễ dàng.
Tương tự, vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi dù mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017, nhưng hiện cũng đang xuất hiện hàng loạt vị trí đá lát bị bung, vỡ. Nhất là vỉa hè trước khu vực C10, Bách hóa Thanh Xuân.
Đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) cũng đang dần mất đi danh xưng đường phố kiểu mẫu của mình bởi những đoạn vỉa hè thiếu mỹ quan. Được đưa vào sử dụng khoảng tháng 5/2016, nhưng cuối năm 2017, tuyến đường đã gây bức xúc cho chính người dân xung quanh bởi sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè có giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Đá trên vỉa hè đường Trần Phú, Hà Đông vỡ sụt xuống |
Hàng loạt sai phạm làm giảm tuổi thọ của đá
Liên quan đến chất lượng lát đá tự nhiên trên địa bàn Hà Nội, tìm hiểu của PV, vừa qua, Thanh tra TP Hà Nội cũng có thông báo kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè. Theo đó, Thanh tra thành phố đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè độ bền 70 năm trên địa bàn một số quận.
Cụ thể, thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loạt đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát không ghi kích thước. Từ hướng dẫn không cụ thể nêu trên dẫn đến thực tế có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2 (kích thước đá trộn xi măng để lát nền), có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè. Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày ≥ 3 cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng vỉa hè lát đá.
Từ năm 2010 đến nay, vỉa hè Hà Nội có ít nhất 3 lần “đại tu” lớn đào lên lát mới. Đó là các mốc thời gian, năm 2010 hầu hết nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch Terrazzo, lục giác… Tiếp đến năm 2013 - 2014, vỉa hè nhiều tuyến phố lại được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến đầu năm 2017, chỉ sau hơn 2 năm sử dụng, loại gạch giả đá trên vỉa hè nhiều tuyến phố bị nứt, vỡ vụn. Thời điểm này, TP Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch giao cho các quận làm chủ đầu tư lát đá tự nhiên trên vỉa hè nhiều tuyến phố và đá tự nhiên này sau khoảng một năm được lát cũng bị nứt, vỡ.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án lát vỉa hè bằng đá tự nhiên hiện do UBND các quận làm chủ đầu tư. Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các quận để đảm bảo chất lượng công trình đúng kỹ thuật và an toàn vệ sinh môi trường.Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên. Cụ thể, việc khảo sát hiện trạng vỉa hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ như: 19 dự án tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Theo ông Huy, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về thiết kế mẫu. Trong đó quy định, nếu lát các loại đá có kích thước 30x30 hoặc 40x40, kích thước viên vỉa và kích thước viên hạ hè đều tính toán phù hợp ở khu vực người dân đi ô tô, xe máy vào nhà, cơ quan. Việc sử dụng viên bó vỉa, viên lát hè bằng đá tự nhiên (kích cỡ dày trên 4cm) sẽ đảm bảo độ bền 50 - 70 năm. Đặc biệt, cốt vỉa hè hiện không bị cập kênh như trước, hạn chế tối đa việc vỡ do thêm quy trình phủ lớp bê tông dày 8cm. Nếu dự án đầu tư phần vỉa hè do UBND các quận thực hiện, bám sát quy trình thiết kế và thi công như trên, rất khó xảy ra tình trạng vỡ, nứt và hư hỏng như phản ánh.
Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội kiểm tra về tình trạng đá lát vỉa hè tại các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai để có đánh giá tổng thể, đôn đốc các quận tuân thủ theo đúng kỹ thuật. Nếu có vấn đề bất cập sẽ báo cáo TP chỉ đạo. Riêng tại địa bàn quận nào có tình trạng đá vỉa hè bị vỡ, nứt, hư hỏng, Sở Xây dựng sẽ đề xuất phải thay toàn bộ tại khu vực xảy ra sự cố.
Một đoạn vỉa hè phố Vạn Phúc (quận Ba Đình) bị bong tróc dù được lát mới hồi cuối năm 2017 (Chụp ngày 10/10) - Ảnh: Khánh Linh |
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Đại, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến một số tuyến đường thuộc địa bàn lát đá tự nhiên bị “nứt, rạn, vỡ” như: Thi công tại thời điểm vữa lót chưa đạt cường độ đã bị tác động của phương tiện giao thông, người dân tự ý trát thêm xi măng để tạo bậc lên cửa nhà mình...
Bà Phạm Thị Kim Liên, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, đường Trần Duy Hưng và các tuyến đường thuộc địa bàn đang được lát bằng gạch vân nhám giả đá. “Đá tự nhiên đương nhiên sẽ có chất lượng tốt hơn các loại gạch, tuy nhiên cũng có thể do trong quá trình thi công bê tông lót móng chưa chuẩn”, bà Liên nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, một số Ban QLDA các quận không tiết lộ số tiền cụ thể trong việc thi công lát đá vỉa hè. Riêng Ban QLDA quận Thanh Xuân cho biết, chi phí (vật liệu) 1m2 có giá khoảng 300.000 đồng. Hiện, trên địa bàn quận Thanh Xuân đã lát khoảng 25.000 - 30.000m2. Tính theo mức phí trên, số tiền đầu tư vật liệu thi công đã gần chục tỷ đồng, chưa kể chi phí cho nhân công và các chi phí khác.
Báo Giao thông