Hà Nội: Dân trong ngõ túa ra, tắc đường là phải
Quy hoạch mới chỉ tính mặt phố, trong khi nhiều người dân sống trong ngõ, muốn đi xe buýt thì xa, đi xe máy tiện hơn nhiều.
- 17-06-2016Hà Nội: Cháy lớn gây ùn tắc nghiêm trọng trên đường Trường Chinh
- 18-05-2016Tắc tuyến đường thủy Quốc gia vì vướng 500m mặt bằng
- 13-01-2016Tắc đường - nỗi lo thường trực của người dân đô thị
Một trong những nguyên nhân khiến giao thông Hà Nội ngày càng ùn tắc trầm trọng là do "quy hoạch một đằng làm một nẻo" - Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch trao đổi với chúng tôi.
Đô thị phát triển tập trung quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông chậm cải thiện. Ảnh: Vũ Điệp
Tại khu vực trung tâm, Hà Nội cho xây quá nhiều nhà cao tầng, thậm chí nhiều nơi theo quy hoạch không cho xây nhưng nhà cao chọc trời vẫn ngang nhiên mọc lên, hạ tầng giao thông lại không theo kịp.
Di dời nhà máy không làm công viên mà xây chung cư
Điển hình như khu vực Ngã Tư Sở, khách sạn Daewoo... Mỗi ngày mỗi tòa nahf 30-40 tầng có tới hàng nghìn lượt người cùng phương tiện đổ ra đường thì không đường nào có khả năng vận chuyển nổi. Tắc là khó tránh khỏi.
Theo ông Thạch, với đà quản lý quy hoạch đô thị như hiện nay, kể cả khi đường sắt đô thị hoàn thành cũng khó giải quyết được ùn tắc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nêu thực tế, Hà Nội đã có kế hoạch di dời công sở, nhà máy ra khỏi trung tâm, nhưng những khu đất này, thay vì dành xây công viên, bãi đỗ xe... thì Hà Nội lại cho xây nhà cao tầng, chung cư cao cấp. Điều này dẫn đến áp lực giao thông trong khu vực nội đô ngày càng nghiêm trọng.
Ông Thủy nhìn nhận, quy hoạch đô thị Hà Nội hiện nay đang xa rời thực tế. Bởi theo kế hoạch, đến 2020 - 2025, sẽ xây dựng xong 5 tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo vận chuyển 40-50% người đi xe công cộng.
Nhưng đến nay chưa có tuyến nào được đưa vào khai thác.
Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư VN so sánh, năm 1884, người Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội theo kiểu châu Âu, tạo ra các tuyến đường ô bàn cờ. Lúc đó chỉ có 6-7 vạn dân nhưng đã có 6 tuyến tàu điện công cộng, trong khi hiện nay Hà Nội đã 8,5 triệu dân vẫn chỉ có xe buýt là phương tiện công cộng duy nhất.
“Rõ ràng vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch. Khi có thêm buýt nhanh, tàu điện ngầm thì tự người dân sẽ biết cách lựa chọn phương tiện thích hợp. Còn với điều kiện vận tải công cộng chậm đáp ứng như hiện nay thì phương tiện cá nhân vẫn là lựa chọn số 1 và tắc đường là khó tránh khỏi”, ông Tùng nói.
Hạ tầng chạy "bở hơi tai" không kịp
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, quy hoạch giao thông phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch xây dựng và sử dụng đất.
Áp lực từ ùn tắc giao thông tại các khu đô thị đang ngày một lớn. Ảnh: CAND
Thực tế, quy hoạch xây dựng ở Hà Nội và TP.HCM rất rộng, rất to nhưng lại chưa có đề án nào có mô hình phân tích gắn với phát triển hạ tầng giao thông đầy đủ, đúng chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều khu đô thị được xây dựng tập trung nhưng lại thiếu hạ tầng giao thông. Điển hình như đường vào khu Linh Đàm, khu vực Ngã Tư Sở...
“Rõ ràng việc điều phối nhịp điệu phát triển đô thị với hạ tầng giao thông chưa tốt. Đáng lẽ hạ tầng giao thông và vận tải công cộng khối lượng lớn phải đi trước một bước so với phát triển đô thị, hoặc ít ra cũng đi song trùng.
Song ở nước ta đô thị phát triển quá nóng, hạ tầng chạy theo không kịp”, ông Hùng nói.
Ở góc độ kiến trúc sư, ông Phạm Thanh Tùng cũng nói rõ, quy hoạch đô thị Hà Nội chỉ tập trung tính toán đến mặt phố, trong khi cư dân chủ yếu sống trong ngõ ngách. Thực tế này khiến người dân khó tiếp cận vận tải công cộng khối lượng lớn.
Hơn nữa, khi quy hoạch đường vàng đai 2, 3, Hà Nội đã không tính đến quy hoạch bãi đỗ xe để người dân thuận tiện chuyển tiếp giao thông cá nhân sang giao thông công cộng. Đây cũng là điều khó khăn cho người dân khi tiếp cận vận tải công cộng.
Với thực tế quy hoạch giao thông Hà Nội hiện nay, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cần phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Khi người dân không được đỗ xe trên vỉa hè thì buộc phải tính toán lựa chọn hoặc phải gửi xe với giá cao hoặc phải đi xe buýt với giá rẻ. Như vậy, sẽ khuyến khích được người dân đi vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
“Các quốc gia đang phát triển phải đi hai chân: phát triển vận tải công cộng và quản lý sử dụng xe cơ giới cá nhân. Đừng mơ đến một đô thị mà đi đến đâu cũng có thể dùng ô tô, hay 80% người dân dùng vận tải công cộng…”, ông Hùng nói rõ.
Vietnamnet