MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội “đánh thức” những lô đất vàng bị “ngủ quên”

12-12-2018 - 08:32 AM | Bất động sản

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội, bất kỳ dự án nào trong tình trạng “quây tôn để đó” cũng sẽ bị xem xét xử lý, thu hồi để tránh làm lãng phí tài nguyên của thành phố cũng như làm xấu đi hình ảnh đô thị.

“Đất vàng” được trưng dụng làm nơi bán xôi

Hà Nội “đánh thức” những lô đất vàng bị “ngủ quên” - Ảnh 1.

Khu "đất vàng" đối diện Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh

Hàng ngày từ 5h30 đến 10h sáng, chị Mây gánh xôi đến vỉa hè trước lô đất tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài (Hà Nội) để bán. Từ nhiều năm nay, chị “mượn tạm” đoạn vỉa hè có vị trí đắc địa này để kinh doanh. Theo chị Mây, mỗi ngày chị nấu được khoảng 150kg xôi. Mỗi kg xôi trung bình gói được 6 suất, mỗi suất 10.000 đồng. Tính trung bình, doanh thu bán xôi ở “mẩu vỉa hè” của chị Mây vào khoảng 9 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 5 tiếng buổi sáng.

Được biết, lô đất này rộng 2.200m2 có tới 3 mặt tiền tại phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài và Vọng Đức, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 200m. Hiện tại, bên trong lô đất lác đác có một số lán trông xe.

Hay như căn nhà khách của Tỉnh ủy Lai Châu trên đường Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm nhiều năm qua đã trở thành mối lo thường trực của các hộ xung quanh… Gần 20 năm bỏ không đã khiến căn nhà ngày càng xuống cấp, xập xệ và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều lô “đất vàng” đang “ngủ quên” trên địa bàn Hà Nội. Theo các chuyên gia, đây là sự lãng phí lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước cũng như của nhân dân.

Mới đây, Sở KH&ĐT Hà Nội công khai danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa. Theo ông Hoàng Huy Được, đại biểu HĐND TP Hà Nội, việc thu hồi các dự án chậm tiến độ cho thấy sự quyết liệt của thành phố, bởi chậm ngày nào là lãng phí quỹ đất, lãng phí nguồn lực và lãng phí cả quyền lợi của người dân đáng lẽ được thụ hưởng từ dự án ngày đó.

Còn bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho biết: UBND TP đã có báo cáo gửi đại biểu HĐND thành phố về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các đại biểu đánh giá việc này đã có chuyển biến. Theo báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, với danh mục 47 dự án nằm trong danh sách thu hồi, UBND TP đã giao Sở KH&ĐT và Sở TN&MT rà soát, kiểm tra, đến nay đã có 39 dự án dừng triển khai, chấm dứt hoạt động.

Trong 8 dự án không triển khai, vi phạm Luật Đất đai và đầu tư, có 4 dự án Sở TN&MT đã trình UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi với diện tích 267ha; 4 dự án đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để báo cáo UBND thành phố giải quyết theo quy định.

Lý giải về việc có quá nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm trên địa bàn khiến thành phố phải tiến hành thu hồi, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, cả quãng thời gian dài sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, rất nhiều dự án phải tạm dừng để chờ thành phố, Chính phủ chỉ đạo, rà soát. Thứ hai, khi giao các dự án, phía các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về GPMB, huy động nguồn vốn…

Theo ông Quyền, với các dự án đang làm các thủ tục đầu tư, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm chủ trì cùng các ngành, địa phương rà soát, tham mưu đề xuất với thành phố. Còn với các dự án được giao đất, cấp đất rồi, Sở TN&MT sẽ chủ trì tham mưu cho thành phố.

“Trong kế hoạch của thành phố giao, chúng tôi tiếp tục rà soát 383 dự án nữa. Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở TN&MT rà soát các dự án này, có 295 dự án đã được giao đất nên Sở TN&MT sẽ phụ trách. Còn lại Sở KH&ĐT rà soát 88 dự án chưa làm thủ tục giao đất mới chỉ làm thủ tục đầu tư.

Chúng tôi phấn đấu hoàn thành báo cáo từng dự án cụ thể vào quý I/2019 với phương châm đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhưng đồng thời cũng cương quyết thu hồi đối với những dự án chậm triển khai, gây bức xúc”, ông Quyền nói.

Ưu tiên thu hồi đất làm công viên, bãi đỗ xe

Hà Nội “đánh thức” những lô đất vàng bị “ngủ quên” - Ảnh 2.

Lô đất rộng 2.200m2 có tới 3 mặt tiền, bên ngoài được trưng dụng bán trà đá và trông giữ xe.

Bàn về vấn đề trên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết: “Việc Hà Nội thu hồi các dự án chậm tiến độ tôi cho là hơi muộn nhưng muộn còn hơn là không làm. Qua sự việc này, chúng ta cần có nhìn nhận rõ ràng về năng lực quản trị, năng lực quản lý dự án của các nhà đầu tư. Trước khi tiến hành thu hồi, chúng ta phải kiểm tra những dự án này có nằm trong quy hoạch hay không?

Với những dự án nằm trong quy hoạch chậm triển khai phải chuyển đổi chủ đầu tư, thu hồi, nếu dự án không còn giá trị thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng khác tránh tình trạng có những dự án kéo dài 10 năm tạo môi trường đô thị nhếch nhác gây bức xúc cho xã hội”.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT thì nhấn mạnh: Dù khung pháp lý có thể chưa hoàn thiện nhưng quy định của pháp luật về việc này đã có, hoàn toàn có thể tiến hành thu hồi đất ở những dự án chậm tiến độ. Còn tài sản đầu tư trên đất có thể tính toán sau. Với đất đai, đặc biệt những “khu đất vàng” không thể để lãng phí, chậm thu hồi ngày nào là mất mát, lãng phí tài sản ngày đó.

“Theo tôi, Hà Nội nên thay đổi tư duy theo hướng, thay vì sử dụng các “khu đất vàng” làm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, nên sử dụng để làm các công trình công cộng như công viên, bãi đỗ xe… Thành phố đang quá thiếu những công trình như thế, trong khi các tòa nhà chọc trời ở nội đô đã và đang hàng ngày, hàng giờ “bức tử” giao thông thành phố. Việc giao “đất vàng” làm nhà cao tầng, trung tâm thương mại có thể mang lại lợi ích cho một nhóm người. Nhưng về lâu về dài, hệ lụy mà nó đem lại sẽ khiến cả triệu người khác phải gánh chịu”, GS Đặng Hùng Võ cho biết thêm.

Không có chuyện thu hồi để giao cho chủ đầu tư khác

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, tất cả các dự án nằm trong diện thu hồi sẽ được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội. Sau khi cơ quan này tính toán phương án bồi thường thiệt hại cho các chủ đầu tư, các dự án bị thu hồi sẽ được sử dụng phù hợp với mục đích công cộng như: Xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch, kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Trong trường hợp giao cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh khai thác thì các khu đất bị thu hồi sẽ phải đấu thầu. "Không bao giờ có chuyện thu hồi đất dự án của chủ đầu tư này để giao cho chủ đầu tư khác thực hiện như dư luận nghi ngờ", ông Nghĩa nói.

Theo Nhóm Phóng viên

Giadinh.net

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên