Hà Nội đề xuất lập 2 thành phố mới: Tránh “vẽ xong rồi để đấy”
Hà Nội đang tính đến phương án thành lập thêm 2 thành phố mới trực thuộc nhằm tạo ra cực tăng trưởng mới, giãn dân nội đô.
- 15-11-2022Cận cảnh loạt 9 'lô cốt' án ngữ 300m đường tại Hà Nội
- 14-11-2022Hà Nội khẳng định được xây công trình cao 45 tầng ở trục đường Lê Văn Lương
- 17-04-2022Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố Hà Nội
Mới đây, hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch để Hà Nội phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
Thêm hai thành phố thuộc Thủ đô
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, quan điểm điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này bám sát các nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển đô thị, nhất là Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch để Hà Nội phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị.
Về mặt không gian đô thị, ông Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm với thiết kế đô thị hài hoà hai bên sông. Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven. Trục đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ phát triển các đô thị thông minh, đồng thời, xây dựng các đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng.
Trong quy hoạch, thành phố Hà Nội cũng tính đến phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam. Cùng với đó, Hà Nội cũng tính đến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch xây dựng thêm 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, thành phố ở phía Bắc sông Hồng, gồm huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.
Thành phố thứ hai trong lòng Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hoà Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo
Cần sự kết nối, đồng bộ
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định 2 thành phố tại khu vực phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô Hà Nội, thể hiện sự đột phá về phát triển đô thị. Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý.
Từ kinh nghiệm thí điểm thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh hơn một năm qua, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trục đường Nhật Tân - Nội Bài được quy hoạch phát triển các đô thị thông minh
Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng. Ngoài ra, thu nhập, chất lượng sống của người dân phải được nâng cao, như các tiêu chí về đô thị thông minh, thân thiện với người dân; cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các thành phố mới.
Ở khía cạnh khác, KTS Phạm Thanh Tùng - Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TƯ Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, với 3 đường vành đai hiện hữu và vành đai 4 chuẩn bị thực hiện, việc tập trung xây dựng những đô thị vệ tinh đúng nghĩa sẽ phù hợp.
Để làm được điều đó, Hà Nội cần tính đến bài toán làm cách nào để di dân ra khỏi nội thành. Theo ông Tùng, thời gian qua, Hà Nội cũng tạo ra được một số đô thị vệ tinh (ngoại thành), nhưng các khu đó dường như chỉ để "ngủ" chứ không phải đô thị theo đúng nghĩa.
"Hà Nội cần lưu ý đến quy hoạch phải lường trước nguồn lực để đầu tư. Tránh việc “vẽ xong rồi để đấy”. Để khi người dân đã di dời khỏi nội thành nhưng vẫn phải tập trung về đây để làm việc. Chưa kể còn rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, không thu hút được dân cư đến ở" - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Các chuyên gia đánh giá, mô hình thành phố trong Thủ đô cần có cách tiếp cận đồng bộ từ các chỉ tiêu để công nhận, với giải pháp có tính thực tiễn cao. Trong câu chuyện này, Hà Nội phải có sự quyết tâm và kết nối giữa các sở ban ngành chứ không phải mạnh ai nấy làm, lợi ích ngành, lợi ích nhóm, tránh việc trở thành nguồn cơn gây ra sốt đất.
Diễn đàn doanh nghiệp