MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng cao

Hà Nội: Doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng cao

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%)...

Sáng 5/7, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Kỳ họp thứ 7, xem xét nhiều nội dung quan trọng.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đã trở lại trạng thái bình thường mới trong nhiều tháng trở lại đây.

Hà Nội: Doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng cao - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội sáng 5/7. Ảnh: PV

Cụ thể, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP Quý II tăng 9,49% (cả nước tăng7,72%), cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Tính chung 6 tháng đầu năm GRDP tăng 7,79% (cả nước tăng6,42%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%).

Theo ông Dũng, Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trên cơ sở đó Thành ủy đã thống nhất chủ trương và HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết tập trung đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, dự kiến phân bổ kế hoạch vốn giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo cho ba lĩnh vực này là 49.203tỷ đồng.

Cùng với đó, Thành ủy đã chỉ đạo khơi thông nguồn lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt xử lý sai phạm như tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Còn tồn tại, hạn chế

Bí thư Hà Nội nêu, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trước cử tri, cũng phải nghiêm túc đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng của thành phố còn nhiều chỉ tiêu có thể phấn đấu đạt cao hơn.

Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng ; đến nay thành phố còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%); CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25%- cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; Cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm;Bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI giảm 01 bậc, PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020.

Hà Nội: Doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng cao - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội sáng 5/7. Ảnh: PV


Ông Dũng cũng nhấn mạnh, nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như: ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu , thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/cụm công nghiệp/làng nghề chậm tiến độ; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập; việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…

Ông Dũng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của 6 tháng còn lại và cả năm 2022.

Theo Bí thư Hà Nội, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Cùng với đó, bám sát kế hoạch thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Khắc phục ngay những khâu còn yếu kém, chậm trễ trong 6 tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Một nhiệm vụ nữa, theo ông Dũng, cần tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bởi hiện nay đã xuất hiện chủng mới tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người dân, tập trung hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tăng cường tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng theo quy định.

Cấp nào làm tốt việc gì sẽ giao cấp đó thực hiện

Bí thư Hà Nội nêu, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, quyết định 14 Nghị quyết chuyên đề rất quan trọng về cơ chế, chính sách, định mức chi trên địa bàn thành phố.

Đối với nội dung phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn, đây là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố, vì vậy HĐND cần thảo luận kỹ, theo nguyên tắc cấp nào làm tốt việc gì, thành phố sẽ giao cấp đó thực hiện.

Nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa đảm bảo tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Đối với các Nghị quyết chuyên đề quan trọng liên quan đến chủ trương chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên năm 2022 và các năm tiếp theo của thành phố, ông Dũng cho rằng, HĐND thành phố đi sâu, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.

Ông Dũng tiếp tục nhấn mạnh việc tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước,các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

"Chú trọng rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách, thủ tục gây phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường tính công khai, minh bạch; phải gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm; khắc phục những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu và kiên quyết xử lý những người vi phạm. Đồng thời, phải quan tâm xây dựng, đào tạo, quy hoạch, thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc", ông Dũng nói.

Theo Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên