Hà Nội dừng nhiều hoạt động tại 8 quận "vùng cam"
Hà Nội nằm trong danh sách các địa phương có ca mắc mới cao và có bệnh nhân đang điều trị cao nhất.
Liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19 trong hơn một tuần qua. TP Hà Nội hiện đã có 8 quận nội thành trở thành "vùng cam" - nguy cơ cao.
Số ca mắc tăng cao
Trong 8 ngày liên tiếp, từ ngày 19 đến 27-12, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19. Tổng số mắc ghi nhận trong một tuần của thành phố này là hơn 13.700 ca mới, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 1.700 ca mắc.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình dịch tại Hà Nội đang phức tạp, khó lường, nhất là khi Tết dương lịch và Tết Nguyên đán đang cận kề. TP Hà Nội không chỉ nằm trong danh sách các địa phương có ca mắc mới cao, mà cả danh sách các tỉnh, thành có bệnh nhân đang điều trị cao nhất, F0 nặng cao. Số ca tử vong của Hà Nội cũng đang trong xu hướng tăng, cao điểm nhất là ngày 20-12 ghi nhận tới 8 ca tử vong. Hầu hết các ca Covid-19 tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền.
Ngày 25-12 vừa qua, UBND TP Hà Nội thông báo cấp độ dịch trên địa bàn, trong đó nhiều quận chuyển sang "vùng cam" do ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Toàn Hà Nội được xác định thuộc cấp độ 2 nhưng đã có 8 quận cấp độ 3 như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Hiện "vùng xanh" duy nhất là huyện Phúc Thọ. Ở trạng thái dịch cấp độ 3, các quận "vùng cam" của Hà Nội đều yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày; các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến. Siết chặt 2 hoạt động nêu trên, một số quận đã yêu cầu ngừng tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu…
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết nguyên nhân số ca Covid-19 liên tục tăng cao là mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách. Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng khí hậu mùa đông - xuân cũng là điều kiện thuận lợi để virus phát triển, đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân khi đã tiêm vắc-xin.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội Ảnh: Hồng Anh
Tìm cách giảm ca tử vong
Trước diễn biến phức tạp số ca mắc tăng mạnh những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm các ca tử vong do Covid-19.
Theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin Covid-19. Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Tất cả bệnh viện được yêu cầu không từ chối việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nếu Hà Nội có số ca mắc lên hơn 3.000 bệnh nhân mỗi ngày chắc chắn sẽ quá tải hệ thống y tế. PGS-TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp, Bộ Y tế - cho rằng tiêm đủ 2 mũi mới chỉ đủ miễn dịch, chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm. Người được tiêm vắc-xin nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc-xin và gây bùng phát dịch. Ông Phu cho biết việc thực hiện 5K đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch.
Bộ Y tế cho biết ngày 27-12, cả nước ghi nhận 14.872 ca mắc Covid-19 tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.418 ca ngoài cộng đồng. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 146,3 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó tiêm mũi 2 là hơn 66,4 triệu liều và tiêm mũi 3 gần 2,8 triệu liều.
TP HCM: Đến cơ quan, xí nghiệp tiêm mũi nhắc lại cho công nhân
* Bình Dương tiêm mũi 3 cho toàn dân
Chiều 27-12, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết tính đến ngày 26-12, TP đã triển khai tiêm mũi 1 là 7.987.323, mũi 2 là 6.992.703, mũi bổ sung 133.037, mũi nhắc lại 367.724. Cũng theo bà Mai, TP HCM sẽ cử các đội tiêm đến các cơ quan, xí nghiêp, nơi đông công nhân như khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện việc tiêm. "Đối với đối tượng nguy cơ (nếu phát hiện là F0 sẽ xử lý theo quy trình đã hướng dẫn) chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều hoặc đủ thời gian tiêm bổ sung, sẽ tổ chức các đội lưu động, ưu tiên cho việc tiêm tại nhà để hỗ trợ tốt nhất cho người dân" - bà Mai cho hay.
* Cùng ngày 27-12, tỉnh Bình Dương đồng loạt tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 3 cho toàn dân. Đối với người lao động không đi tiêm được trong giờ hành chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương, Liên đoàn Lao động tỉnh và các huyện, thị, thành phố tổ chức tiêm tại nhà máy, tiêm ban đêm khi công nhân xuống ca. Dự kiến, đợt tiêm vắc-xin mũi 3 và tiêm vét mũi 2 tại một số địa phương ở Bình Dương được tổ chức trong 3 ngày từ 27 đến 29-12.
H.Yến - N.Thảo
Người lao động