MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội khai trừ 131 đảng viên

27-12-2022 - 14:49 PM | Xã hội

Theo báo cáo, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp Hà Nội đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng (khiển trách 19, cảnh cáo 3); thi hành kỷ luật 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).

Sáng 27/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Lực cho biết, năm 2022, Thành ủy và các cấp ủy đã triển khai hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Cụ thể, đã kiểm tra đối với 1.590 tổ chức Đảng, 599 đảng viên; giám sát đối với 949 tổ chức Đảng và 575 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước; công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm thiết bị y tế…

Hà Nội khai trừ 131 đảng viên - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ủy đã kiểm tra 344 đảng viên và 145 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 487 tổ chức Đảng cấp dưới; giám sát chuyên đề đối với 888 tổ chức Đảng và 22 đảng viên…

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát , cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng (trong đó khiển trách 19, cảnh cáo 3); thi hành kỷ luật 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; năm thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, vì thế, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Cụ thể, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của thành phố cần phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, song hành với việc giáo dục, thuyết phục, vận động, để mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng rất nghiêm minh nhưng cũng mang tính nhân văn sâu sắc.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần bám sát các văn bản chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy Hà Nội về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tiếp tục tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong đó, theo bà Tuyến, cần tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Coi công tác giám sát là việc làm thường xuyên nhằm phòng ngừa sai phạm; thực hiện công tác kiểm tra theo phương châm “đi trước, mở đường” trong việc phát hiện vi phạm.

Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp chủ động kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm theo phương châm “đi trước, mở đường”; “rõ đến đâu xử lý đến đó”. Trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để người dân được tham gia, đóng góp ý kiến cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành Điều lệ Đảng.

Theo Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên