Hà Nội không thanh lý xe công kiểu bán “sắt vụn”
Hà Nội là địa phương đầu tiên tiến hành thí điểm thực hiện khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị với tính toán đã tiết kiệm một khoản rất lớn chi phí cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đặt ra sau khi thực hiện, trong đó có việc sử dụng và thanh lý số xe công dôi dư để không bị thất thoát.
- 13-03-2017Xe công thanh lý với giá 46,2 triệu đồng, Bộ Tài chính nói gì?
- 11-03-2017Khoán xe công: Tính thực tiễn đến đâu?
- 11-03-2017Kiên trì quan điểm chưa luật hoá khoán xe công
- 10-03-2017Xe công: Vì sao “nuôi” đắt, bán rẻ
- 14-12-2016EVN yêu cầu rà soát, thanh lý xe công
Tiết kiệm 50 tỷ đồng mỗi năm
“Từ ngày 1/3, Hà Nội đã chính thức thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung đối với các chức danh lãnh đạo tại 8 cơ quan, đơn vị. Đến nay sau hai tuần thực hiện chưa có phát sinh nào, các đơn vị được thí điểm đều ủng hộ và chưa xảy ra vướng mắc nào”, ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính) cho biết.
Theo ông Vinh, tại 8 cơ quan, đơn vị thí điểm gồm: 4 Sở (Tài chính, Kế hoạch- Đầu tư, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh- Xã hội); 2 quận (Hà Đông, Long Biên); 2 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm).
Các chức danh lãnh đạo theo tiêu chuẩn được lựa chọn một trong hai phương thức khoán: Khoán kinh phí không vượt quá mức tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng hoặc khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng nhân với đơn giá 13.000 đồng/km.
Trong đó, phương thức khoán 9,3 triệu đồng/tháng/người đã được 7 trong 8 đơn vị lựa chọn. Riêng Sở Giao thông Vận tải đã trình phương án khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh với đơn giá 13.000 đồng/km.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, mặc dù cùng thực hiện khoán, nhưng căn cứ vào địa bàn Hà Nội là thành phố lớn, các phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, nên đã triển khai thí điểm khoán toàn bộ (cả đưa đón lãnh đạo từ nhà tới cơ quan và ngược lại, đến đi công tác-PV). “
Để thực hiện khoán được chặt chẽ, đảm bảo đúng tinh thần tiết kiệm, thành phố quy định, các chức danh khi đi công tác phải có xác nhận của cơ quan đó như nơi đi, nơi đến và làm việc gì, sau đó được tổng hợp lại và gửi lên Kho bạc Nhà nước để thanh toán.
Còn ai sử dụng vượt khung thì tự bỏ tiền túi”, vị này cho biết.
Đại diện phòng Quản lý công sản cũng cho biết, kinh phí khoán xe công nằm trong mức khoán chi hằng năm của từng đơn vị được giao từ đầu năm.
Do đó, trong thời gian thí điểm tại 8 đơn vị trên, ước tính một năm tiết kiệm được trên 4 tỷ đồng cho ngân sách. Khi thực hiện triển khai diện rộng toàn thành phố từ 1/10/2017, ước tính một năm sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng.
Đấu giá công khai xe thanh lý
Theo tính toán, hiện Hà Nội có trên 400 ô tô công phục vụ công tác chung cho các chức danh lãnh đạo tại các đơn vị. Trong đó, trung bình mỗi sở ngành, quận huyện có khoảng 4 đến 6 xe, với kinh phí “nuôi” từ 150 đến 230 triệu đồng/xe/năm.
Đối với 8 đơn vị thí điểm này lần này sẽ có khoảng gần 50 xe biển xanh được bàn giao lại cho thành phố, trong đó 33 xe sẽ được thanh lý, 12 xe sắp hết niên hạn sử dụng.
Đơn cử, Sở Tài chính có 5 xe công, trong đó 2 xe thuộc diện thanh lý và 3 xe còn niên hạn sử dụng sẽ được chuyển về các đơn vị sự nghiệp; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 6 xe công, có 2 xe hết niên hạn sử dụng, 4 xe còn lại được chuyển cho các đơn vị thuộc sở theo quy định.
Theo Sở Tài chính, sau khi thực hiện khoán xe công, hai việc quan trọng là sắp xếp, điều chuyển, thanh lý số xe công và bố trí công việc cho các lái xe.
“Các đơn vị thực hiện khoán xe công thì toàn bộ xe công của họ đang quản lý, sử dụng sẽ được thu hồi để sắp xếp, xử lý theo quy định.
Với các xe đủ điều kiện để thanh lý sẽ thực hiện thanh lý, còn lại sẽ được điều chuyển cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn để đảm bảo việc sử dụng xe tiết kiệm, hiệu quả”, ông Mai Xuân Vinh nói.
Vị này cũng cho biết, đối với xe còn niên hạn dưới 15 năm sử dụng sẽ điều chuyển cho các đơn vị còn thiếu phương tiện theo tiêu chuẩn, ưu tiên cho trường học, bệnh viện. Đối với xe đã hết niên hạn 15 năm sử dụng, thành phố sẽ thanh lý theo quy định.
“Việc thanh lý sẽ theo phương thức đấu giá, công khai sát với trị giá thực của phương tiện chứ không có việc thanh lý như kiểu bán sắt vụn với giá rẻ.
Ngoài ra, vì các xe này đã hết niên hạn sử dụng để tránh việc mạo danh, sẽ thu hồi biển số và giấy tờ trước khi chuyển cho người được thanh lý”, ông Vinh khẳng định.
Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, việc thí điểm khoán kinh phí xe công tại 8 sở, quận, huyện vừa qua, có 43 lái xe bị điều chuyển công việc.
Theo tính toán, nếu áp dụng khoán kinh phí xe công trên toàn thành phố thì sẽ có khoảng 500 lái xe phải điều chuyển công việc.
“Thành phố đang có khoảng hơn 2.300 đơn vị sự nghiệp, trong số này nhiều đơn vị đang cần lái xe nên chúng tôi đang tính để bố trí công việc cho toàn bộ lái xe khi thực hiện khoán kinh phí xe công để không có lái xe nào phải nghỉ việc giữa chừng.
Thậm chí, cũng đang tính điều chuyển một số lái xe sang Tổng công ty vận tải Hà Nội, rồi thành phố hỗ trợ kinh phí để các lái xe này đổi bằng cho phù hợp với lái phương tiện mới”, vị cán bộ cho biết.
* Hà Nội có trên 400 ô tô công phục vụ công tác chung cho các chức danh lãnh đạo tại các đơn vị. Trong đó, trung bình mỗi sở ngành, quận huyện có khoảng 4 đến 6 xe, với kinh phí "nuôi" từ 150 đến 230 triệu đồng/xe/năm.
Đối với 8 đơn vị thí điểm lần này sẽ có khoảng gần 50 xe biển xanh được bàn giao lại cho thành phố, trong đó 33 xe sẽ được thanh lý, 12 xe sắp hết niên hạn sử dụng.
* Đánh giá về chủ trương khoán xe công của Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định, đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, hiện thực hóa quyết tâm cải cách hành chính của Hà Nội.
"Hà Nội là địa phương đầu tiên thí điểm sẽ tạo sức lan tỏa ra cả nước. Còn dư luận lo ngại việc thanh lý xe công với giá rẻ mạt thì các cơ quan Hà Nội phải tổ chức việc thanh lý công khai, minh bạch.
Thậm chí, trước khi đấu thầu, thanh lý xe cần có cơ quan độc lập để định giá và công khai thông tin về điều kiện đấu thầu, những ai được quyền mua… thì mới đảm bảo công khai, minh bạch", ông Phong nói.
Tiền Phong