MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội lắp camera giám sát cán bộ tiếp dân

15-03-2018 - 16:08 PM | Xã hội

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, Sở này đã chủ động xây dựng dự thảo một bộ chế tài xử lý 114 tình huống, lắp camera tại bộ phận một cửa từ nhiều năm nay nhằm hỗ trợ rất tích cực trong việc giám sát, theo dõi hành vi ứng xử của cán bộ với người dân, doanh nghiệp.

Sáng 15/3, Hà Nội tổ chức phiên giải trình về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố.

Hai bộ quy tắc ứng xử này được ban hành và triển khai rộng khắp được 1 năm nay. Trước khi vào phiên chất vấn giải trình, các đại biểu và các đầu cầu trực tuyến được xem clip khá dài, phản ánh những mặt chuyển biến và cả những mặt tiêu cực, tồn tại, hạn chế được phản ánh với từng trường hợp cụ thể. Một số lãnh đạo xã, phường nơi xảy ra tiêu cực được mời đến tham dự phiên giải trình. Thậm chí, có vị cán bộ còn rất ngạc nhiên, nói lần đầu được biết về những tiêu cực phản ánh trong clip.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi, tổng số hồ sơ hành chính trong năm 2017 là bao nhiêu, có bao nhiêu lời xin lỗi trong việc giải quyết chậm thủ tục hành chính cho người dân. Còn đại biểu Trần Thế Cương thì chất vấn Giám đốc Sở VHTT&DL: Sau một năm triển khai, với tư cách là tư lệnh ngành, đề nghị ông cho biết hai quy tắc này đã thực sự đi vào cuộc sống chưa?

Trả lời chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động cho biết, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành đầu tiên ban hành hai bộ quy tắc ứng xử này. Ban đầu lúc nào cũng khó khăn, nên để hai bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng thuận cũng là kết quả đáng mừng. Trong năm 2017, việc triển khai hai bộ này trở thành sinh hoạt rộng khắp, tất cả các ngành, các cấp của thành phố đều thực hiện.

Về bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, theo ông Động, các cơ quan thành phố luôn chấp hành nghiêm về thời gian, trang phục gọn gàng, không uống rượu, bia trong giờ hành chính, cán bộ am hiểu pháp luật, ứng xử đúng mực, cởi mở với người dân, doanh nghiệp…

Mặc dù vậy, ông Động cũng thừa nhận, dù cung cách ứng xử có chuyển biến nhưng chưa rõ rệt, chưa tạo ra được hình ảnh riêng biệt của người Hà Nội. Những hành vi không đẹp, chưa nhân văn, chưa vì cộng đồng vẫn diễn ra, làm mất hình ảnh thủ đô.

“Hai bộ quy tắc ứng xử đã đi vào cuộc sống nhưng chỉ là kết quả bước đầu. Để tạo ra nếp sống văn hóa phải kiên trì hơn, cần phải thêm thời gian để tiếp tục tạo được sự ủng hộ, đồng hành của người dân, để hai bộ quy tắc ứng xử này thực sự đi vào cuộc sống”, ông Động nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa, trong năm 2017, liên ngành thành phố, các ngành đi kiểm tra với gần 700 cuộc, trong đó phát hiện ra 45 trường hợp vi phạm.

Tiếp nối trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, năm 2017, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 8 triệu hồ sơ và đã giải quyết được trên 97%. Kết quả cho thấy, tất cả các chỉ số cải cách hành chính của thành phố trong năm 2017 đã được nâng lên. Kết quả bước đầu làm sự hài lòng của người dân cũng như công việc của các cơ quan thành phố có biến chuyển.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam tiếp tục nêu chất vấn ông Sáng: Vì sao đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm? Nếu vẫn chỉ dừng lại ở kiểm tra, nhắc nhở sẽ khó có chuyển biến. Việc lắp camera tại bộ phận một cửa, có trích suất, kiểm tra đánh giá không?

Về việc này, ông Sáng cho hay, sở đã chủ động xây dựng dự thảo một bộ chế tài xử lý 114 tình huống. Về camera tại bộ phận một cửa đã được lắp trong nhiều năm nay. Camera đã hỗ trợ rất tích cực trong việc giám sát, đã nối mạng đến lãnh đạo phường, thậm chí cả lãnh đạo quận, hỗ trợ cho việc theo dõi hành vi ứng xử của cán bộ với người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sáng, camera tại bộ phận một cửa cũng hỗ trợ nhiều cho việc thanh tra kiểm tra. "Trường hợp ở phường Văn Miếu là camera hỏng lâu rồi nên không xem được, chứ bình thường thì đoàn kiểm tra vẫn trích xuất xem”, ông Sáng nói, đồng thời cho rằng, hai bộ quy tắc ứng xử như là gương soi. Nếu có quy tắc ứng xử đặt bên cạnh các chế tài xử phạt, sẽ làm hành vi của cán bộ công chức, viên chức tốt hơn so với lúc chưa có.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên