Hà Nội lên 2 phương án thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thành phố cũng đã lường trước được việc xây dựng đề án chính quyền đô thị là vô cùng khó...
- 29-08-2018Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh
- 27-08-2018Đầu tư nhà phố trong khu đô thị vùng ven cần quan tâm gì?
- 15-03-2018Hà Nội trình đề án xây dựng chính quyền đô thị vào tháng 10
Ngày 7/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Theo đó, sau khi được Bộ Chính trị cho phép thực hiện thí điểm, thành phố đã xây dựng đề án với hai phương án tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội, trong đó phương án 1 là Hà Nội xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận huyện) và một cấp hành chính (xã, phường). Hà Nội tổ chức chính quyền thành phố và chính quyền quận/huyện/thị xã về cơ bản cũng giữ nguyên như hiện nay gồm có Hội đồng nhân dân và UBND.
Về tổ chức chính quyền cấp xã/phường/thị trấn thì không tổ chức Hội đồng nhân dân, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Phương án 2, Hà Nội cân nhắc tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Bình luận về đề án, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, Hà Nội cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả sứ mệnh Thủ đô. Nếu Hà Nội thực hiện bước đi mạnh mẽ trong chính quyền đô thị thì nên tổ chức theo mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh ở thành phố và 2 cấp hành chính. Cụ thể, Hà Nội không nên tổ chức HĐND cấp quận và phường, nhưng vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã.
Theo ông Phúc, nếu chính quyền địa phương mà suốt ngày phải đi báo cáo, xin ý kiến cấp bộ, thì còn lâu mới giải quyết được các vấn đề. Ông Phúc đề nghị Hà Nội giảm bớt các tầng nấc trung gian, trong đó có Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.
Ông cũng băn khoăn, với tầng nấc như hiện nay thì đủ các thứ họp hành lu bù, nhưng cuối cùng thì ai quyết, ai chịu trách nhiệm.
"Tôi có cảm giác hệ thống của chúng ta không đủ quyền, không đủ trách nhiệm trong việc thực hiện sứ mệnh của mình", ông Phúc nói.
GS. TS Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đồng tình với quan điểm thiết lập đề án theo hướng xây dựng chính quyền đô thị Thủ đô Hà Nội với những đặc thù của Thủ đô, không phải của một thành phố bình thường. Đồng thời, dự thảo đề án phải rõ về phần kiến nghị, nhất là những kiến nghị nhằm nâng cao sự tự chủ của chính quyền Thủ đô.
Trao đổi tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, thành phố cũng đã lường trước được việc xây dựng đề án chính quyền đô thị là vô cùng khó.
Theo Bí thư Hà Nội, mấu chốt của đề án là xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân cấp để đáp ứng được nhu cầu tốt hơn của người dân tốt hơn. Đề án cũng hướng tới việc làm thế nào để tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố.
Lãnh đạo Thành uỷ cho hay, với đô thị lớn tồn tại nhiều vấn đề như lụt lội, ô nhiễm môi trường, cấp nước… như hiện nay thì chính quyền đô thị phải có những quyết định nhanh gọn. Không nên để một vấn đề tồn tại nhiều năm mới giải quyết xong.
"Các đồng chí nói, trước đây doanh nghiệp làm một dự án phải đi báo cáo 8 bộ, bây giờ đối với địa phương cũng như vậy. Chi 1 tỷ hay 3 tỷ phải đi báo cáo, thì không phải là chính quyền đô thị, không phải là chính quyền hiệu lực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân", ông Hải nói.
Ông cho biết, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn bị kỹ đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị để đến tháng 12 trình Bộ Chính trị.
Vneconomy