Hà Nội lên kế hoạch xây dựng metro hơn 65 nghìn tỷ đồng kết nối toàn bộ phía Tây đến trung tâm Thủ đô
Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước (do bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm chủ tịch) để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, dự án đường sắt trên có chiều dài lên tới 38,43 km với tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công dự kiến 10.000 tỉ đồng. Điểm đầu là nút giao cắt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, điểm cuối là xã Yên Bình, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Dự án này thực tế được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ làm hai giai đoạn, 2016-2020 và 2020-2030. Tuy nhiên, từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn bốn năm nên UBND TP Hà Nội đề xuất đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn 2021-2030.
Theo quy hoạch, dự án metro Văn Cao – Hòa Lạc là tuyến metro số 5 tại thành phố Hà Nội. Tuyến được bắt đầu tại khu vực đường Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm hai ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách Đại lộ Thăng Long.
Cũng theo quy hoạch, tại các vị trí giao với đường Lê Quang Đạo, đường sắt quốc gia vành đai phía Tây, nút giao Hòa Lạc tuyến được bố trí đi trên cao cục bộ để vượt qua các nút giao này. Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình) tuyến đi trên mặt đất vào giải phân cách giữa của tuyến đường bộ cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội gồm tám tuyến, tổng chiều dài 318 km. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, mới chỉ có hai tuyến đang thi công gồm Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án metro số 5 là công trình đường sắt đô thị có chiều dài và quy mô vốn lớn nhất trong tám tuyến metro được quy hoạch triển khai tại Hà Nội, giai đoạn đến năm 2030.