Hà Nội: Một thập kỷ hoàn thành 12 cây cầu vượt nhẹ trị giá hơn 3.000 tỷ đồng
Kể từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã có 12 cây cầu vượt nhẹ bắc qua các ngã tư trọng điểm được xây dựng với mục đích giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn nội thành.
Ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội là hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh, nhất vào giờ cao điểm, người dân có thể đứng chôn chân vài tiếng đồng hồ ở một ngã tư. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, trở thành vấn đề dân sinh nóng hổi.
Để tích cực giải quyết tình trạng này, đầu năm 2012, Hà Nội đã thực hiện hàng loạt các giải pháp chống ùn tắc giao thông: Đổi giờ làm, giờ học; phân làn phương tiện; cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố chính… nhưng tình hình không có nhiều biến chuyển.
Trước tình hình đó, Hà Nội tiếp tục thử nghiệm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông qua việc tiến hành xây dựng các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại một số ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ. Ưu điểm của giải pháp này là giá thành rẻ, thời gian thi công ngắn, góp phần giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút trọng điểm.
Năm 2012, hai cầu vượt nhẹ đầu tiên được xây dựng là Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng. Đến năm 2022, Hà Nội đã có 12 cây cầu bắc qua các ngã tư trọng điểm, giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn nội thành trị giá hơn 3.000 tỷ đồng.
Cầu vượt nhẹ đầu tiên là Tây Sơn - Chùa Bộc, được khởi công ngày 21/1/2012, hoàn thành trong 100 ngày đêm thi công. Cầu có chiều dài hơn 249m, tổng mức đầu tư 65,5 tỷ đồng.
Trước khi cầu được xây dựng, nút giao Thái Hà - Chùa Bộc - Tây Sơn, được coi là điểm nóng hay xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mỗi ngày phải bố trí hơn 10 CSGT túc trực ở các điểm này để phân luồng, xử phạt vi phạm.
Khi đã có cầu vượt, người tham gia lưu thông có thêm diện tích, thêm sự lựa chọn, tình trạng chen lấn, leo xe lên vỉa hè cũng giảm bớt. CSGT đỡ vất vả hơn, mỗi ngày chỉ cần bố trí ba người đứng chốt. Chia sẻ trên báo chí vào thời điểm khánh thành, Trung tá Nguyễn Văn Tà - Đội trưởng Đội CSGT số 3, đơn vị phụ trách địa bàn quận Đống Đa cho biết: “10 ngày liền không có tình trạng ùn tắc, va quệt hay tai nạn giao thông”.
Từ những khả quan bước đầu đó, ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu ngay trong năm 2012, Sở GTVT phải khởi công và hoàn thành 7 cầu vượt: Cầu vượt Nam Hồng; Cầu vượt Lê Văn Lương; Cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; Cầu vượt Trần Khát Chân tại nút giao Bạch Mai - Phố Huế; Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai...
Gần đây nhất, Hà Nội đã đưa vào sử dụng công trình cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt và cầu vượt qua hồ Linh Đàm. Đây cũng là công trình chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Nhìn lại hành trình gần 10 năm xây dựng những công trình cầu vượt cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các nút giao cắt. Chia sẻ về vấn đề này, tại Cầu vượt nhẹ An Dương - Thanh Niên, cụ Nguyễn Thị Hòa (83 tuổi, trú tại phường Phúc Xá, quân Ba Đình) cho biết, kể từ ngày cầu khánh thành (2017), việc đi lại của bà con nhân dân qua nút giao Thanh Niên - An Dương - Yên Phụ - Nghi Tàm thuận tiện hơn, tình trạng ùn tắc giao thông giảm bớt, cảnh va quệt xe cũng ít đi.
Với lợi ích dễ thấy đó, anh Đ.X.T (tài xế xe ôm công nghệ), vừa lưu thông qua Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng mong muốn ngày càng có nhiều cây cầu vượt hơn nữa để việc lưu thông thuận tiện hơn. “Hiện nay nhiều ngã tư không có cầu vượt, nhiều khi tôi cứ phải tránh tắc đường rất là bất tiện”, anh X chia sẻ.
Bên cạnh những ưu điểm đó, nhược điểm dễ nhận thấy nhất là các cây cầu vượt này là dù có tác dụng chống ùn tắc thật sự nhưng hiệu quả dường như không được triệt để. Một số ngã tư, điểm giao cắt có cầu vượt nhẹ tuy tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể nhưng tình trạng ùn tắc lại xuất hiện ở những điểm giao cắt, nút giao thông khác, thường là điểm kế tiếp với ngã tư có cầu vượt nhẹ.
Về vấn đề trên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc Hà Nội, phân tích: “Điều này hoàn toàn không tránh được và có thể giải thích một cách logic: Khi lưu lượng giao thông thoát qua ngã tư có cầu vượt nhẹ nhanh hơn bình thường thì sẽ làm gia tăng lưu lượng, mật độ và cường độ phương tiện tại điểm giao cắt kế tiếp, dẫn tới ùn tắc".
Trong tương lai, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng trên, từ đó vấn đề ùn tắc giao thông mới được giải quyết triệt để.
CLIP: 12 cây cầu vượt nhẹ có làm Hà Nội bớt ùn tắc
Tổ Quốc