Hà Nội muốn dùng 700 tỉ đồng xây hầm chui dẫn lên cầu 2.500 tỉ đồng chuẩn bị thông xe
TP Hà Nội dự kiến dành khoảng 700 tỉ đồng đầu tư hầm chui tại nút giao Cổ Linh-đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (phía quận Long Biên).
- 07-08-2023Đồng Nai chưa thống nhất với TP.HCM về xây cầu Cát Lái
- 16-05-2023Đại công trường xây cầu dài nhất trên cao tốc Bắc Nam
- 28-04-2023Gần 145,6 tỷ đồng xây cầu Tân Thạnh nối liền các xã cù lao Tân Phú Đông
Nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông xe, UBND TP Hà Nội vừa giao các đơn vị có liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh-đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (Vành đai 2) phía quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sắp thông xe. Ảnh: Hữu Hưng
Dự kiến, tổng mức đầu tư xây dựng hầm chui này khoảng 500-700 tỉ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2023-2024.
Hầm được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy-Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm.
Chiều dài hầm được tính toán dài khoảng 500 m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75 m (tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường).
Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh-đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng, gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Hà Nội hiện có 4 hầm chui được đưa vào sử dụng, một hầm chui đang xây dựng. Trong đó 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn, gồm: Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương; 1 hầm chui đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng-Kim Đồng.
TP Hà Nội dự kiến ngày 30-8 sẽ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Cây cầu được khởi công vào tháng 1-2021, dài 3,5 km, rộng 19,25 m, quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội với 8 làn ôtô.
Người lao động