Hà Nội muốn lùi đê ra sát bờ sông Hồng
Ý tưởng đẩy đê hiện hữu ra sát bờ sông Hồng để có thể tạo diện tích rộng rãi cho khu dân cư, thúc đẩy phát triển đô thị ven sông
Bảo đảm an toàn công tác phòng, chống lũ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Hà Nội có ý tưởng lùi đê sát bờ sông Hồng để phát triển đô thị hai bên bờ sông.
Triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội”. Đây là cơ sở để các địa phương, trong đó, có thành phố Hà Nội triển khai biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Trên cơ sở Quyết định số 257, dự án xây dựng không gian thoát lũ nằm giữa hai tuyến đê chính và không cho phép xây dựng đê bối mới. Số hộ dân cần di dời phục vụ dự án là 2.206 hộ. Quy hoạch đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng ở 20 bãi sông với tổng diện tích 3.904 ha. Mật độ xây dựng được giới hạn ở mức 15% cho 2 bãi và 5% cho các bãi còn lại. Mục tiêu Hà Nội hướng tới là bảo vệ vùng dân cư hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị ven sông.
Hà Nội đề xuất Bộ NN-PTNT xây dựng 7 tuyến giao thông kết hợp đê bao bảo vệ khu dân cư, khu đô thị vùng bãi, với cao trình bảo đảm chống lũ ở mức báo động II (tương ứng cao trình mặt đường ở Trạm thủy văn Hà Nội là 11m). Đó là các tuyến Chu Phan - Đại Độ, Tầm Xá - Xuân Canh, Chương Dương - Xuân Quan... Các tuyến đường sẽ được làm với tiêu chuẩn đường giao thông cấp đô thị rộng 50m, nối cả đến những vùng bãi chưa phát triển.
Hà Nội cũng có ý tưởng đẩy đê ra sát bờ sông, đê mới sẽ thay thế đê cũ. Khu dân cư 2 bên tả hữu sẽ được mở rộng và bảo vệ tuyệt đối. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng này cần có một cơ chế đặc thù ngoài thẩm quyền của Hà Nội.
“Tất nhiên, khu vực qua trung tâm sẽ được ưu tiên, ai cũng đồng thuận. Nhưng ưu tiên đến cỡ nào để đảm bảo an toàn chung cho cả hệ thống là vấn đề cần cân nhắc, bàn bạc”, đại diện Sở NN&PTNT cho hay.
Quy hoạch của thành phố Hà Nội đã được gửi cho 6 bộ và 8 tỉnh lân cận Hà Nội lấy ý kiến và đều nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến bày tỏ băn khoăn của một số bộ ngành, các đơn vị nghiên cứu về đê điều thủy lợi. Nếu triển khai phương án có 8 vùng bãi sông được nạo vét nhằm tăng lưu lượng dòng chảy thoát lũ có thể ảnh hưởng tới khả năng lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi trong đê.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng hai tuyến đường giáp ven sông Hồng có khả năng ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ, tính toán thực sự kỹ lưỡng đến mức độ an toàn cho khu dân cư đông đúc, trung tâm nội đô. Nghiên cứu thêm các phương án về nguồn vốn, mật độ xây dựng, cây xanh, hồ nước…
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về quy hoạch phòng, chống lũ và sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số chi tiết phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng trong giai đoạn triển khai quy hoạch, việc xây dựng các tuyến đường kết nối phải bảo đảm nguyên tắc không gian chứa lũ. Đối với khu vực bãi sông không được phép xây dựng có thể sử dụng làm công viên cây xanh. Đối với khu vực cho phép xây dựng, cần nghiên cứu bảo đảm theo hướng an toàn.