MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội nên thu phí xe cá nhân giờ cao điểm

30-11-2016 - 20:26 PM | Xã hội

Hà Nội nên cho phép ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm có thu phí, đồng thời tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ với các tuyến phố trung tâm.

Đề xuất đưa ra tại hội thảo đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và TNGT Hà Nội sáng nay.

2025: Phương tiện không thể di chuyển

GĐ Trung tâm phát triển giao thông đô thị Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển GTVT khái quát, hiện hệ thống đường bộ đô thị khu vực nội đô đang quá tải, không đáp ứng được so với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân.

Ông đưa ra dự báo, với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, đến năm 2020 HN sẽ có xấp xỉ 940.000 ô tô và 6,2 triệu xe máy.

Đến năm 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Trong khi, việc chiếm dụng mặt đường của phương tiện là 85,8%.

Với dự báo này, đến năm 2020 toàn TP sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng với diện tích chiếm dụng của phương tiện vượt 3 lần, trong vành đai 3 vượt 4,57 lần và đây là kịch bản ùn tắc nghiêm trọng trên phạm vi toàn thành phố.

Và, từ 2025-2030, trong vành đai 3 với kịch bản trên diện tích chiếm dụng mặt đường của phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị 7,5 lần và 10,6 lần, tức là các phương tiện giao thông không thể di chuyển.

Để giảm ùn tắc, ông Chung kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT ban hành chính sách quản lý về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy, thu hồi, buộc tiêu hủy đối với các phương tiện ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng và không đủ tiêu chuẩn về khí thải.

Đặc biệt, cần quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy hàng năm cho các giai đoạn từng khu vực, tập trung ở các quận nội đô; tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe cá nhân.

Một số khu vực theo lộ trình cho phép ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí; tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ với các tuyến phố cụ thể khu vực trung tâm thành phố....

Những rào cản

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng đề xuất, muốn hạn chế xe cá nhân thì cách duy nhất là hệ thống vận tải công cộng phải thật sự phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Do vậy, Hà Nội phải tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên tuyệt đối cho vận tải hành khách công cộng trong vành đai 3; tách vận tải liên tỉnh, quá cảnh ra ngoài vành đai 3, duy trì việc bố trí lệch giờ làm việc để kéo dài khung giờ cao điểm, tránh xung đột, ùn tắc.

Ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản cho rằng, để cân nhắc việc hạn chế xe cá nhân, điều quan trọng là hạ tầng giao thông công cộng phải cung cấp được dịch vụ thay thế, nhưng thực tế việc xây dựng đường sắt đô thị đang bị chậm trễ.

"Hiện người sử dụng vận tải công cộng chủ yếu là sinh viên, người già, những người có thu nhập thấp, không có khả năng sở hữu xe máy, lượng người đi xe buýt còn rất ít" - ông Takagi Michimasa nói.

Một vấn đề cần ông Takagi Michimasa cho rằng phải cân nhắc, nghiên cứu là liệu dịch vụ giao thông công cộng có đủ sức thay thế đáp ứng nhu cầu của người dân trong trường hợp xe cá nhân bị hạn chế hay có cưỡng chế hiệu quả người vi phạm được không?

Theo Gia Văn

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên