MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội nghiên cứu mô hình 'thành phố trong thành phố'

01-03-2022 - 08:21 AM | Bất động sản

Hà Nội nghiên cứu mô hình 'thành phố trong thành phố'

Hà Nội định hướng điều chỉnh quy hoạch chung sẽ bao gồm hạn chế dân số nội đô, giảm dân số 4 quận nội thành. Đồng thời nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố” tại các khu vực, phía Bắc có huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía Tây có thành phố mới Hòa Lạc.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố vừa có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm xác định các định hướng quy hoạch phù hợp với thực tiễn, nhận diện những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề xuất một số định hướng để Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản.

Tại tờ trình, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Hà Nội nghiên cứu mô hình thành phố trong thành phố - Ảnh 1.

Một góc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Như Ý


Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Hà Nội đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thành lập các thành phố Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Hòa Lạc trực thuộc.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4 , phát triển đô thị 2 bên đường Vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.

Đáng chú ý, thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội. Bởi trên thực tế, vùng Thủ đô Hà Nội với diện tích 24.314,7km2, dân số khoảng 20 triệu người, có diện tích lớn hơn Vùng Thủ đô Tokyo (diện tích khoảng 14.000km2, dân số khoảng 38 triệu người) và lớn hơn Vùng Thủ đô Bangkok cả về diện tích và dân số (diện tích khoảng 7.762km2, dân số khoảng 16 triệu người), nhưng mới chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, thấp hơn nhiều so với thủ đô các nước khác trên thế giới, cả về số lượng lẫn công suất...

Thành lập 4 thành phố tại Hà Nội?

Theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, đô thị Hà Nội đã thay đổi diện mạo đáng kể. Tuy nhiên, từ đó đến nay có một số chỉ tiêu cần điều chỉnh cho phù hợp, đơn cử như chỉ tiêu quy mô dân số, chỉ tiêu đô thị hóa…

Định hướng điều chỉnh quy hoạch sẽ bao gồm hạn chế dân số nội đô, giảm dân số 4 quận nội thành. Đặc biệt là nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố” tại các khu vực, phía Bắc có huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía Tây có thành phố mới Hòa Lạc và mô hình “thị xã trong thành phố” trên cơ sở sáp nhập một số huyện.

Trục sông Hồng sẽ được tập trung khai thác làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Các huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2021 - 2025 được nghiên cứu phát triển hạ tầng, gắn với đô thị xanh, bền vững dọc 2 bên trục đường Vành đai 4. Các đô thị vệ tinh được rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này có nhiều điểm mới như khẳng định hiệu quả sử dụng đất, di dời cơ sở công nghiệp trong nội đô, xây dựng khu công nghiệp mới…

Trong đó nổi bật nhất là mô hình “thành phố trong thành phố” và Quy hoạch sông Hồng.

Về Quy hoạch sông Hồng, nếu trước đây Hà Nội định hướng lấy sông Hồng làm trục cảnh quan thì nay đã xác định là trục cảnh quan trung tâm của thành phố. KTS Nghiêm thông tin thêm: “Vào năm 2001, khi tôi đang là Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có một quận vượt sông Hồng, đó là quận Long Biên hiện nay”.

Thời điểm này là việc kế thừa được phát huy, các quận trung tâm sẽ phát triển xoay trục quanh trục sông Hồng.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, một điểm nhấn khác là quy hoạch “thành phố trong thành phố”. Năm 2008, khi mở rộng Hà Nội, thành phố Sơn Tây, thành phố Hà Đông một nơi phải chuyển thành quận, một nơi chuyển thành thị xã.

Sau năm 2016, Quốc hội mở rộng khái niệm, cho phép có các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có thành phố mà mô hình đầu tiên là thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM. Như vậy, Hà Nội đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thành lập các thành phố Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Hòa Lạc trực thuộc.

“Thành phố trong thành phố” là đơn vị chính quyền, phụ thuộc vào đơn vị hành chính với thành phố trực thuộc Trung ương nhưng độc lập hoàn toàn về kinh tế, xã hội và các chủ trương phát triển khác.

“Thành phố có những tiêu chí khác với quận, mà khi trở thành thành phố , thành phố đó hoàn toàn có thể chủ động được các định hướng chỉ tiêu, mức độ đô thị hóa riêng, phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo đô thị”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, quy hoạch chung định hướng phát triển không gian tại các khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn và khu vực phát triển nông thôn (khu vực hành lang xanh); định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, gồm định hướng quy hoạch 12 chuyên ngành, ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; định hướng bảo tồn di sản. Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên