Hà Nội: Người mua nhà dịch chuyển ra vùng ven, giá biệt thự, liền kề phía Đông tăng
Nhu cầu nhà ở sau dịch được chuyên gia đánh giá sẽ có sự thay đổi, người mua không ở nội đô nữa mà dịch chuyển ra vùng lõi ven sông Hồng, dịch chuyển ra những khu đại đô thị.
Bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội nằm trong xu hướng tăng trưởng giá. Trong vòng 5 năm qua, giá trung bình thứ cấp mua đi bán lại ở hạng mục biệt thự, liền kề tăng trung bình 7%/năm.
- 23-09-2021Quyết định mua nhà đất thay vì chung cư, chấp nhận “cõng” nợ 1 tỷ, bất ngờ 5 năm sau, đôi vợ chồng kiếm lời hơn 2 tỷ đồng
- 23-09-2021Nguồn cung BĐS suy giảm, giá nhà tăng, cơ hội mua nhà càng khó?
- 22-09-2021Đi làm vài năm tích cóp tiền mua nhà, rồi “ôm cục nợ” hàng chục năm, sống kham khổ hay đem tiền đi đầu tư và mua nhà sau?
Chia sẻ tại diễn đàn trực tuyến về thị trường Hà Nội, chuỗi đô thị ven sông Hồng, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Vietstarland đánh giá, tín hiệu thị trường bất động sản sau dịch rất lạc quan.
Ông Khiêm dẫn chứng, khi đơn vị phân phối, giao dịch tại một số dự án lớn có mức độ hấp thụ sản phẩm bất động sản ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh vẫn tốt.
Cụ thể, ông Khiêm cho biết, từ ngày 12 đến 22/9, Sàn bất động sản Vietstarland giao dịch trung bình 17 - 23 căn hộ cao tầng, với phân khúc biệt thự bán được 2 – 3 căn.
“Nhu cầu nhà ở sau dịch sẽ có sự thay đổi, họ không ở nội đô nữa mà dịch chuyển ra vùng lõi ven sông Hồng, dịch chuyển ra những khu đại đô thị. Người mua sẽ chấp nhận đi xa hơn một chút để được sống tại nơi có không gian sống trong lành, đầy đủ tiện nghi”, ông Khiêm đánh giá.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cao cấp, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, nguồn cung khu vực phía Đông bao gồm Long Biên, Gia Lâm đang cung cấp khoảng 8.100 căn biệt thự, liền kề, chiếm gần 15% tổng nguồn cung nhà ở thấp tầng trong dự án tại Hà Nội. Nguồn cung sơ cấp về nhà ở thấp tầng trong dự án hiện nay đang rất hạn chế.
Về giá bán, bà Hằng cho biết, giá bán của các sản phẩm nhà ở thấp tầng ở khu vực phía Đông đang ở mức cạnh tranh so với các khu vực khác ở Hà Nội nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.
“Xu hướng dịch chuyển từ các khu vực nội đô sang khu vực phía Đông Hà Nội đã rõ nét trong thời gian gần đây. Bất động sản khu vực phía Đông nằm trong xu hướng tăng trưởng giá. Trong vòng 5 năm qua, giá trung bình thứ cấp mua đi bán lại ở hạng mục biệt thự, liền kề tăng trung bình 7%/năm”, bà Hằng nói.
Đại diện Savills đánh giá, nguồn cung nhà ở thấp tầng trong tương lai ở khu vực phía Đông là không nhiều, chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ. Số lượng các dự án có quy mô lớn ít và đang giai đoạn lập quy hoạch.
Trong khi chúng ta vẫn đang bàn quy hoạch phân khu sông Hồng thì nhu cầu bất động sản vẫn đang tồn tại. Theo bà Hằng, việc hạn chế nguồn cung ở phía Đông có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đã phát triển, các khu dân cư hiện hữu, các dự án sắp được quy hoạch hoặc hướng tới các dự án đô thị lớn tại các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh.
Bà Hằng cũng cho rằng, thị trường khu vực phía Đông sẽ tiếp tục có những biến động bởi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Cùng với đó, kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên quận cũng sẽ khiến khu vực Gia Lâm thu hút thêm được các nhà đầu tư. Khi hạ tầng khu vực phía Đông đang dần được cải thiện, phát triển sẽ vẫn thu hút nguồn cầu.
“Sau đại dịch, nguồn cung bất động sản vùng ven trên toàn cầu gia tăng mạnh. Tại Hà Nội, các khu vực ven sông Hồng, trong đó có khu vực phía Đông nếu hạ tầng thuận lợi, người dân sẽ có xu hướng chấp nhận dịch chuyển khỏi nội đô, hướng tới khu vực vùng ven. Trong khi Hà Nội cũng đang mở rộng phát triển ra khu vực vùng ven, giao thông phát triển thì không có lý do gì ngăn cản, nguồn cầu sẽ tăng... song giá cả phải hợp lý”, bà Hằng cho biết thêm.
Infonet