MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Nhà hàng, quán cà phê mở cửa dè dặt, lo thu tiền lẻ cầm chắc lỗ

21-09-2021 - 08:05 AM | Thị trường

Hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống vẫn mang tâm lý dè dặt, vừa lo lượng khách không như kỳ vọng, lại vừa lo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Hà Nội: Nhà hàng, quán cà phê mở cửa dè dặt, lo thu tiền lẻ cầm chắc lỗ - Ảnh 1.

Nhiều hàng quán sẽ mở cửa trở lại sau khi Hà Nội từ 06h ngày 21/9. (Ảnh Anh Hùng).

Kể từ sau khi thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại một số dịch vụ thiết yếu từ 21/9, trước đó các khu vực “vùng xanh” đã được mở cơ sở dịch vụ ăn, uống (chỉ bán mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng đã rục rịch mở cửa trở lại, nhưng vẫn với tâm lý dè dặt.

Với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ này, việc được hoạt động trở lại không khác gì được tái sinh sau một thời gian dài phải đóng cửa nhưng vẫn phải trang trải một loạt các chi phí thuê nhà, nuôi nhân công,… Tuy nhiên, tâm lý chung của các chủ cơ sở này là vẫn dè dặt, vừa lo lượng khách không như kỳ vọng, lại vừa lo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Anh Hoàng Văn Nghĩa, chủ nhà hàng Ngư Quán – đặc sản cá sông (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, việc được mở cửa trở lại đem lại cho anh hy vọng có thể trang trải chi phí hoạt động của nhà hàng, nhất là khi gần 2 tháng qua nhà hàng đóng cửa hoàn toàn nhưng chủ nhà hàng này vẫn đảm bảo duy trì đời sống cho hơn 10 nhân viên do họ không thể về quê.

“Nhà hàng mở bán mang về nên lượng đơn hàng cũng không được như kỳ vọng. Sau đợt dịch này người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Hơn nữa tâm lý của thực khách đối với những món liên quan đến cá là thích ngồi ăn tại chỗ hơn gọi mang về”, anh Nghĩa chia sẻ.

Hà Nội: Nhà hàng, quán cà phê mở cửa dè dặt, lo thu tiền lẻ cầm chắc lỗ - Ảnh 2.

Việc được mở cửa trở lại sẽ giúp các nhà hàng, quán ăn có thể trang trải chi phí hoạt động.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Đức, chủ của chuỗi 10 cửa hàng phở bò Nam Định tại các quận nội thành Hà Nội cho biết, anh lại phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt nhân viên do hầu hết nhân viên của anh đã về quê và không dễ để có thể quay lại Hà Nội.

“Ngay sau khi đóng cửa chúng tôi đã cho toàn bộ nhân viên về quê. Hầu hết họ đều chưa được tiêm vắc xin nên rất khó để có thể quay trở lại Hà Nội vào lúc này. Sau ngày 16/9, từ 10 cửa hàng phở đến nay chúng tôi chỉ mới mở cửa trở lại hai cơ sở vì thiếu hụt lao động. Hơn nữa, muốn cửa hàng hoạt động được thì phải được Sở Công Thương cấp mã QR code”, anh Đức cho hay.

Ông chủ chuỗi cửa hàng phở này cho biết, sau khi mở lại hai cửa hàng từ ngày 16/9, lượng khách chủ yếu tập trung vào buổi sáng nhưng cũng chỉ được khoảng 30% so với trước khi thực hiện giãn cách.

“Hy vọng là từ hôm nay, người dân không còn lo xuất trình giấy tờ khi ra ngoài đường nữa thì lượng khách đến mua phở mang về sẽ được cải thiện hơn,” anh Nguyễn Hữu Đức nói.

Trong khi đó, với các chủ cửa hàng kinh doanh cà phê khó khăn hơn. Anh Phùng Trần Hiệp, chủ một cửa hàng cà phê tỏ ra không mấy hào hứng bởi trong hơn 1 năm qua cửa hàng của anh cũng từng có thời gian mở cửa bán về nhưng thu không đủ bù chi.

“Mong lắm ngày được mở bán hàng cho khách ngồi giãn cách, chứ bán mang về như thế này cứ phải thấp thỏm ngóng từng đơn hàng, có khi cả ngày chưa bán nổi 10 ly cà phê”, anh Hiệp nói.

Dù sao, cà phê, nước hoa quả hay trà sữa cũng là mặt hàng được nhiều khách hàng chấp nhận order qua mạng, nhất là sau khi các công sở đi làm trở lại. Đó là lý do hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống đều hy vọng về một sự hồi phục trong thời gian tới.

Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ được mở cửa trở lại, cần xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch. Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát phòng, chống dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng/ sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR và thực hiện 5K.


Theo Hiền Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên