Hà Nội những ngày này: Đại chiến TÌM TRỌ đang diễn ra, đi từ mùng 8 Tết không kiếm được phòng, lơ ngơ là mất 2,5 triệu đặt cọc
Các trường đại học đồng loạt thông báo học offline cũng là lúc sinh viên "lên đồ", ráo riết đi tìm phòng trọ mới.
- 12-02-2022Điều khiến tỷ phú Bill Gates hối tiếc vì ông đã không làm thời còn học Harvard
- 11-02-20225 thói quen dưỡng gan, thực hiện trước khi ngủ GIÁ TRỊ hơn triệu liều thuốc bổ: Làm đủ 5/5 không phải lo nghĩ về bệnh tật
- 11-02-20223 phương pháp tưởng hạ đường huyết, sai lầm trong cách áp dụng càng khiến bệnh trở nặng, ''rước'' thêm biến chứng vào người
Mới đây, hàng loạt trường đại học đã thông báo cho sinh viên đi học trở lại trong tháng 2. Thế là "đại chiến" đi tìm nhà trọ lại bắt đầu.
Bởi suốt hơn 9 tháng học online vừa qua, nhiều bạn sinh viên đã quyết định pass lại phòng trọ, nghĩ rằng còn xơi mới phải đi học lại. Khi biết tin đồng loạt trường đi học lại, một "cuộc chiến" tìm nhà trọ lại đến, sinh viên cũng phải cân nhắc nhiều giá thành và chất lượng căn phòng.
Nhiều sinh viên Hà Nội đi tìm phòng trọ khi biết tin các trường sẽ đi học offline (Ảnh minh hoạ)
Đi tìm trọ từ tận trong Tết, đa dạng các loại hình nhà ở cho sinh viên thuê
Thông thường, "mùa" tìm phòng trọ là khoảng tháng 8-9. Nhưng năm nay đồng loạt trường thông báo đi học sớm nên nhu cầu tìm phòng trọ tăng cao thời gian qua.
Bạn Quỳnh Trang (sinh viên Đại học Mở, Hà Nội) cho biết: "Trường mình vẫn học online sau kỳ nghỉ Tết nhưng sắp tới sẽ quay lại học trực tiếp nên mình đã từ quê lên Hà Nội sớm hơn để còn tìm phòng trọ. Sắp tới nhiều trường cũng học trực tiếp nên phải tranh thủ đi sớm để chọn được phòng ưng ý".
Nhiều sinh viên lên thành phố sớm để tìm được phòng trọ ưng ý
Bỡ ngỡ, lúng túng là cảm xúc chung của những bạn tân sinh viên lên thành phố tìm phòng trọ. Từ đường xá, địa hình, kiểu căn hộ, giá cả,... đều rất đa dạng, nhiều bạn không biết đâu mới là lựa chọn phù hợp cho mình. Trong đó có Ngọc Mai (sinh viên Học viện Tài chính), cô bạn sẽ chọn lựa bằng cách là chụp hình lại căn phòng và gửi lại cho người thân để tham khảo ý kiến.
"Chỗ ở là cực kỳ quan trọng nên mình không muốn qua loa, cũng không thể tự quyết được vì sợ còn thiếu kinh nghiệm. Vì thế mình sẽ chụp lại những căn phòng mình đã đến trực tiếp xem hoặc trao đổi qua mạng để gửi cho bố mẹ hoặc anh chị mình đã từng là sinh viên. Nếu chưa hợp lý thì sẽ tranh thủ đi tìm nơi khác".
Cô bạn cũng có những tiêu chuẩn để chọn một căn phòng ưng ý: "Vì chưa quen với đường xá Hà Nội nên mình sẽ ưu tiên chọn một phòng trọ gần trường. Thứ hai là phải sạch sẽ, thoáng đãng, không quá ồn ào và giá cả hợp lý. Ngoài ra thì còn phụ thuộc vào cảm quan của mình khi đến xem trực tiếp, nếu thấy ổn thì mình mới chốt được" - Ngọc Mai chia sẻ.
Các mẫu phòng trọ rất đa dạng nhưng cần phải xác định đúng nhu cầu và điều kiện kinh tế
Giá cả ở thủ đô ngày càng tăng, mà phí sinh hoạt của sinh viên có hạn nên nhiều bạn đã lựa chọn việc tìm người ở ghép để tiết kiệm chi phí thuê nhà. Ngoài những bạn đã có "cạ cứng" cùng quê, bạn học hay người quen thì còn nhiều bạn bơ vơ, phải liên hệ với những bạn mới để ở ghép.
Phương Linh (sinh viên Đại học Thăng Long) mấy ngày nay vừa tìm phòng vừa kiếm bạn ở ghép: "Ở với người chưa từng quen biết thì tất nhiên sẽ có những bất tiện nhưng phải chấp nhận vì mình không thể chi tiêu quá nhiều cho phòng trọ, nhưng vẫn muốn đầy đủ tiện nghi tối thiểu thì phải chấp nhận".
Thông thường, một sinh viên sẽ có giá tiền thuê phòng (bao gồm tiền phòng, tiền điện, nước, phụ chi khác) rơi vào khoảng 1,5 - 5 triệu. Nếu biết tìm phòng thì hoàn toàn có thể rẻ hơn.
Ngày nay sinh viên cũng có nhiều lựa chọn hơn với đa dạng loại hình thuê phòng: Sống trong ký túc xá, chung cư mini... Có nhiều bạn trẻ còn được cha mẹ "chơi lớn" mua luôn hẳn căn nhà để sinh sống ở thành phố cho tiện ấy chứ!
Qua rồi cái thời ở tạm bợ, sinh viên thời nay sống trọ khá thoải mái, nhiều khi còn tiện nghi hơn ở nhà (Ảnh minh hoạ)
Đau lòng cảnh đi tìm phòng trọ: Lơ ngơ không hỏi kĩ giá rồi bị lừa mất 2,5 triệu tiền cọc
Hiện nay, có rất nhiều cách để tìm kiếm phòng trọ như đi tìm trực tiếp ở các biển quảng cáo cho thuê, thông qua người môi giới, qua các trang web, nhưng phổ biến nhất vẫn là qua mạng xã hội. Tuy nhiên, mỗi cái đều có cái lợi và hại riêng, đối mặt với không ít rủi ro.
Cất công lên Hà Nội từ mùng 8 Tết, nhưng sau 3 ngày thì Ngọc Mai vẫn chưa tìm được một phòng trọ ưng ý cho mình. "Mình thì thích đi trực tiếp để xem hơn vì dù gì nếu thuê cũng phải đến tận nơi, hơn nữa đi nhiều thì mình cũng biết các địa điểm.
Nhưng loanh quanh khắp hàng chục con ngõ cũng chỉ có lèo tèo vài biển quảng cáo, vào xem thì không được ưng ý hoặc do giá quá cao so với thực tế. Nên mấy hôm đi xem cũng chỉ như tham khảo, chưa chốt được phòng nào".
Đi theo những tấm biển là cách tìm phòng truyền thống
Ngoài cách truyền thống tự đi xem phòng theo chỉ dẫn của Ngọc Mai, thì cô bạn Quỳnh Trang lại chọn cách nhiều người sử dụng đó là tìm kiếm trên các hội nhóm Facebook. Ưu điểm của hình thức này là người thuê có thể chủ động tìm kiếm, lựa chọn những địa điểm đang cần cho thuê, tham khảo được mức giá và đa dạng kiểu phòng hơn. Sau khi ưng ý, trao đổi qua tin nhắn rồi thì mới đến tận nơi để xem.
Tuy nhiên, hình thức này cũng có những hạn chế như là không biết được thực tế bên ngoài, dễ dàng bị qua mắt bởi những hình ảnh hiện đại, hào nhoáng. Bên cạnh đó còn không rõ được địa điểm thực tế, những tiện ích, an ninh có được đảm bảo sau những lời quảng cáo phóng đại hay không.
Cũng chính vì thế mà cô bạn Quỳnh Trang đã nhiều lần "vỡ mộng", dù rất ưng ý hình ảnh trên mạng nhưng thực tế căn phòng lại nhỏ và bẩn hơn, môi trường chung cũng không đảm bảo.
Căn phòng trở nên rộng rãi hơn khi chụp bằng camera góc rộng
Trải nghiệm thực tế và điều kiện sống xung quanh là điều mà các sinh viên cần lưu tâm
"Mình đến thì khác xa hoàn toàn, họ chụp bằng camera góc rộng nên trong ảnh rất rộng rãi nhưng bên ngoài chỉ đủ kê giường, không có khoảng trống. Chỗ khác thì có máy giặt chung nhưng chỗ phơi đồ lại cùng chỗ nấu ăn, rất sợ bị ám khói, mùi. Vì thế nên khá mất thời gian đi chỗ này chỗ kia" - Quỳnh Trang chia sẻ.
Nhưng éo le hơn còn là cậu bạn Việt Hoàng (sinh viên trường ĐH Kinh Doanh & Công nghê Hà Nội) khi đã bị đối tượng trên mạng lừa tiền. Vì ngại đi tìm kiếm trực tiếp nên Việt Hoàng đã chọn cách "chốt đơn" từ xa, chỉ cần chỗ ở ổn và vị trí phù hợp là nam sinh nhắn tin chốt phòng, hẹn ngày gần nhất ký hợp đồng.
"Người ta đã ok với mình là sẽ giữ phòng nhưng hôm sau lại bắt cọc tiền nếu không sẽ cho người khác thuê. Vì ưng ý nên mình đã thuận theo luôn, nhưng sau đó thì không còn liên lạc được với người cho thuê nên đành chấp nhận mất 2,5 triệu tiền cọc" - Việt Hoàng chia sẻ.
Ngoài ra cũng có những tình huống "treo đầu dê bán thịt chó" như đăng hình một đằng, thực tế một nẻo hay đặt ra những mức giá hời để thu hút lượt tương tác. Từ đó sẽ thúc giục những sinh viên chuyển tiền giữ phòng. Không ít trường hợp nhẹ dạ cả tin đã mắc bẫy này.
Sinh viên nên lưu ý với những phòng trọ đẹp giá rẻ (ảnh minh hoạ)
Vì vậy để tìm được phòng trọ ưng ý cũng như tránh bị lừa đảo thì sinh viên cần nắm vững những điều sau.
1. Xác định khu vực ở và giá thuê phòng trọ
Ai cũng mong muốn được ở trong hoặc gần trung tâm thành phố hay nhà phố, nhưng điều này còn phải phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn vì giá thuê ở những nơi này khá đắt đỏ. Do đó, khi tìm phòng trọ sinh viên hãy xác định rõ mức giá thuê nhà trong khả năng tài chính của bản thân.
2. Nên thuê nhà trọ gần trường học
Việc thuê phòng trọ gần trường học mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Bạn nên tìm phòng trọ cách trường học từ 1-2 km để thuận tiện đi lại, đồng thời giúp bạn tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí di chuyển.
3. Kiểm tra những thông tin trong hợp đồng
Để tránh những trường hợp rủi ro hay chủ nhà "quay xe" bất chợt, sinh viên nên đề cập đến vấn đề đặt cọc tiền thuê phòng trọ trong hợp đồng, trường hợp chuyển nhà trước thời gian quy định thì quy định về số tiền cọc như thế nào? Và thời gian trả tiền phòng là mỗi tháng hay đóng 1 lúc 3 tháng. Tiền phát sinh phí Internet, điện nước,… như thế nào cũng phải ghi cụ thể vào hợp đồng.
4. Kinh nghiệm tránh lừa đảo khi thuê nhà trọ
- Kiểm tra nhà trọ - phòng trọ: nhà vệ sinh, cửa sổ, cửa ra vào, điện, nước, bãi giữ xe ở đâu,… kiểm tra xem mọi thứ có ổn và an toàn không?
- Trao đổi thông tin với bên cho thuê nhà trọ - phòng trọ, Chủ nhà trọ - phòng trọ là ai?
- Giờ giấc ra vào, các trang thiết bị trong nhà hư thì bên thuê hay bên bán chịu trách nhiệm bỏ phí để sửa chữa?
- Hỏi về những phí cơ bản (tiền thuê nhà mỗi tháng, tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền rác, tiền giữ xe, tiền đặt cọc).
- Ngoài những phí cơ bản còn có bất kỳ khoản phí nào khác nữa hay không?
Nguồn: Tổng hợp
Pháp luật & Bạn đọc