Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới: Ứng dụng Air Visual chỉ mang tính tham khảo
Liên tục nhiều ngày, ứng dụng Air Visual cho chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức xấu, thậm chí ngày 26.9 còn cho chỉ số Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo.
- 01-10-2019Chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội báo động: Chuyên gia nói gì?
- 30-09-2019Nơi nào ở Hà Nội ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất sáng đầu tuần?
- 27-09-2019Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Bụi mịn là tác nhân gây ung thư phổi
Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở ngưỡng xấu và kém các điểm quan trắc. Đỉnh điểm, sáng 26.9, ứng dụng quan trắc không khí Air Visual xếp Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Thông tin này khiến nhiều người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, ngay sau khi Air Visual đưa ra số liệu này, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã lên tiếng, bác thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ (Trạm quan trắc này quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn). Vì vậy, không thể đại diện cho toàn địa bàn Thành phố Hà Nội, chỉ mang tính đại diện cho duy nhất 1 địa điểm quan trắc.
Xếp hạng những nơi ô nhiễm nhất Hà Nội sáng nay 1.10. Ảnh: airvisual
Chỉ mang tính tham khảo
Trao đổi với Lao Động, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đánh giá, tình hình ô nhiễm của Hà Nội trong thời gian qua đến từ nhiều yếu tố,
Sau 20 năm nghiên cứu về chất lượng không khí ở Hà Nội, GS.TS Hoàng Xuân Cơ không phủ nhận hoàn toàn thông tin chỉ số đến từ ứng dụng Air Visual nhưng cho rằng, đây cũng chỉ nên là một nguồn tham khảo.
"Trang Air Visual có thông tin từ rất nhiều nguồn, có cả nguồn chính thống từ các trạm quan trắc tự động của nhà nước, nhưng cũng có từ nguồn "nghiệp dư" nên độ tin cậy không thể bằng các trạm đến từ các cơ quan chính thống như các Sở Tài nguyên và môi trường ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên ứng dụng này cũng cung cấp cho người dân một nguồn thông tin, quan trọng là chúng ta phải xử lý nguồn thông tin đó như thế nào" - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.
Chỉ số chất lượng không khí trung bình tính đến 7h sáng nay trên Air Visual đạt ngưỡng màu tím. Ảnh: Airvisual.com.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, các trạm quan trắc không khí ở Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường của Hà Nội, nhưng về mặt tin cậy thì hơn ứng dụng Air Visual.
Nhận định về tình hình ô nhiễm kéo dài nhiều ngày, GS.TS Cơ "không thấy quá ngạc nhiên". Ông cho biết, những ngày qua điều kiện thời tiết gây cản trở cho việc khuếc tán, lan truyền chất ô nhiễm đi các nơi, khiến nó loanh quanh ở sát mặt đất. Tháng này lại là tháng ngoại thành đốt nhiều rơm rạ, cũng là tháng người dân thu gom nhiều lá rụng đem đốt khiến nồng độ ô nhiễm cao lên.
Số liệu đo một điểm không thể áp dụng với toàn thành phố
Theo GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội cần phải dựa trên kết quả đo kiểm tại nhiều điểm khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu chỉ có thông tin quan trắc đo một vài điểm thì chưa đủ căn cứ để đánh giá chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.
Bà Bùi Thị An - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cũng cho rằng, đo ô nhiễm để đánh giá chỉ trong một giới hạn không gian nhất định, vùng này khác, vùng kia khác nên việc bố trí các máy đo, trạm quan trắc phải đan xen nhau. Máy có thể rất chính xác nhưng số liệu đó chỉ phù hợp với từng vùng không gian nhất định, không thể lấy số liệu một điểm mà áp dụng ra toàn thành phố.
Lao động