Hà Nội phân vùng hoạt động taxi: Cách nào giám sát, xử phạt?
Việc phân vùng nếu cơ quan quản lý không quản được một cách chặt chẽ, minh bạch sẽ càng gây bất bình đẳng, thậm chí phân vùng có thể phá vỡ đề án.
Việc phân vùng hoạt độngnếu không giám sát chặt chẽ, minh bạch sẽ gây bất bình đẳng giữa các hãng taxi (Trong ảnh: Taxi đỗ chờ đón kháchtại cổng bệnh viện Giao thông vận tải) - Ảnh: Tạ Tôn
Lo ngại việc phân vùng sẽ phá vỡ đề án
Dự thảo quy chế quản lý taxi Hà Nội dự kiến được phê duyệt ngay trong năm 2018. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc các cơ quan quản lý có giám sát được triệt để vi phạm khi phân vùng quản lý taxi để tạo bình đẳng hay không...
Ngày 20/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi cho biết, vấn đề quan tâm nhất trong dự thảo quy chế này là việc phân vùng hoạt động taxi. Tuy nhiên, việc phân vùng nếu cơ quan quản lý không quản được một cách chặt chẽ, minh bạch sẽ càng gây bất bình đẳng, thậm chí phân vùng có thể phá vỡ đề án.
Theo ông Quân, để phân vùng được cần 2 yếu tố: Từ phía doanh nghiệp phải vận dụng phương tiện hiện đại để xác định được nhu cầu lượng khách cũng như bố trí của doanh nghiệp cho hợp lý. Trong khi đó, phía cơ quan quản lý nhà nước cần công cụ, phần mềm quản lý.
Trong bản kiến nghị chung với Sở GTVT Hà Nội, các hãng taxi tại Thủ đô cho rằng, màu sắc, thương hiệu và tổng đài là đặc trưng riêng cho mỗi DN. Trong trường hợp thành phố bắt buộc các DN phải tuân thủ chủ trương, họ có đề xuất, các hãng được dán chung một logo biểu trưng cho Thủ đô Hà Nội như: “Khuê Văn Các” và được chọn một trong ba màu sơn: trắng, ghi, xanh rồi dán đề can (có thể trên nắp capo).
Liên quan đến việc Hà Nội sẽ thành lập tổng đài điều hành chung cho taxi do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng, điều hành, giám sát thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm, đại diện hãng taxi Quê Lúa cho rằng, trung tâm điều hành là một bộ phận quan trọng của DN taxi. Đây là nơi tiếp nhận toàn bộ các yêu cầu đặt xe của khách hàng thông qua bộ đàm hoặc phần mềm ứng dụng (Apps). Vì vậy, việc đưa trung tâm điều hành ra hoạt động chung sẽ không gắn được quyền lợi và trách nhiệm của DN, tạo ra mô hình mang dáng dấp của HTX, bao cấp, trái với quy luật của kinh tế thị trường.“Công nghệ thay đổi cuộc sống, trong đó có kinh doanh. Khi cơ quan quản lý nhà nước đã xác định xây dựng dự thảo thì cần có những bài toán kiểm tra, giám sát và xử lý được, không gây bất bình đẳng trong kinh doanh”, ông Quân nói.
“Khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá cả mà hãng taxi cung cấp. Với việc sử dụng trung tâm điều hành chung, chất lượng và dịch vụ của các hãng taxi sẽ bị đánh đồng, người tiêu dùng khó được hưởng lợi. Bản chất của việc này là lấy đi giá trị thương hiệu từ các DN”, vị này bày tỏ.
Liên quan đến việc giám sát, xử phạt khi ban hành quy chế quản lý taxi mới, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) khẳng định, trước nay thị trường taxi của Hà Nội vẫn được quản lý chủ yếu dựa trên các nghị định, thông tư. Trên thực tế, taxi của Hà Nội có nhiều đặc thù riêng, cần một bộ quy chế riêng hoàn chỉnh, cụ thể để làm công cụ quản lý hữu hiệu. “Sở GTVT hiện vẫn đang lắng nghe những góp ý của các cơ quan chuyên ngành, các doanh nghiệp, chuyên gia và người dân để quy chế đưa ra sẽ được đồng thuận cao”, ông Tuyển nói.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, TP Hà Nội có gần 80 hãng taxi, Hà Nội nên để họ tự điều hành. Cơ quan quản lý của Hà Nội đối với hoạt động taxi chỉ nên quản lý về quy hoạch, bảo vệ quyền lợi hành khách, giá cả, an toàn, ứng dụng công nghệ trong quản lý, không nên áp đặt hoạt động của doanh nghiệp.
Quy chế phải được chính thức hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật
Liên quan đến việc quy chế có xử phạt được vi phạm của taxi khi chưa được quy định trong Luật GTĐB và các Nghị định xử phạt, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc xây dựng phương án quản lý taxi trên địa bàn làm sao cho phù hợp thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội. Điều này gắn liền với việc cơ quan quản lý sẽ có giải pháp quản lý cụ thể với từng loại hình taxi.
“Theo tôi, việc phân vùng hoạt động cho từng loại taxi là bình thường. Các quốc gia tự do về thị trường cũng quản lý theo cách này. Ví dụ như New York (Mỹ) quy định có những vùng taxi màu vàng được hoạt động nhưng taxi màu xanh thì không, thậm chí không được dừng đón trả khách ở khu vực nội thành”, ông Minh nói.
Đề cập đến tính pháp lý của quy chế để xử phạt, ông Minh cho rằng, những quy định trong quy chế phải được chính thức hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật của thành phố. Đây sẽ là căn cứ để giám sát quản lý loại hình taxi trên địa bàn. Từ văn bản này của thành phố và căn cứ vào các quy định xử phạt hiện hành có thể tiến hành xử phạt được.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, đặc thù mỗi địa phương đều có cơ quan chủ quản, khi triển khai quy chế nào cũng đều lấy ý kiến các sở, ngành và được HĐND tỉnh, thành phố quyết định. Tại Hà Nội dự kiến đến năm 2025 có 25 nghìn xe taxi. Tuy nhiên, đến nay, riêng taxi truyền thống đã có hơn 19.200 xe và gần 4.000 xe xin phù hiệu tỉnh khác đang về Hà Nội hoạt động. Cùng đó, loại xe công nghệ hoạt động như taxi cũng lên đến 30 nghìn phương tiện. Như vậy, tổng số phương tiện đang hoạt động tại TP lên đến 50 nghìn xe, phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. “Do đó, quy chế khi áp dụng phải làm sao quản lý chặt chẽ, tạo bình đẳng trong khi doanh”, ông Hùng đề nghị.
Báo giao thông