Hà Nội: Quá tải người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Những ngày gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trở nên quá tải khi mỗi ngày có gần 1.500 người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
- 12-06-2020Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định nhân sự mới
- 12-06-2020Thêm ca mắc mới COVID-19 là thuyền viên
- 12-06-2020Có thể biết trước để phòng tránh lốc xoáy như ở Vĩnh Phúc không?
Những ngày gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trở nên quá tải khi mỗi ngày có gần 1.500 người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và thông báo tình hình việc làm, nhiều người lao động phải đi tới 2 – 3 lần mới lấy được số.
Từ sáng sớm, hàng dài người lao động đứng trước Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để lấy số và ngồi chờ tới lượt làm thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Thậm chí, có những gia đình con nhỏ không ai trông nên bồng bế nhau đến Trung tâm.
Những ngày gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trở nên quá tải khi mỗi ngày có gần 1.500 người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và thông báo tình hình việc làm, nhiều người lao động phải đi tới 2 - 3 lần mới lấy được số.
“Tôi phải đến sớm, 7h đã có mặt ở đây, trước tôi đã có khoảng 20 người xếp số trước rồi. Đây là lần thứ 3 tôi tới đây, lần trước thì không có số, chiều hôm qua cũng không lấy được. Khi đến đây làm thủ tục tôi đã có đầy đủ giấy tờ rồi nhưng đến cũng không được giải quyết ngay mà người ta cho mình một cái giấy hẹn, khoảng 15 ngày sau quay lại. Trước tôi đến từ 5/5, sau đó họ hẹn đến 18/5 đến nộp hồ sơ, sau khi nộp xong thì thủ tục rất nhanh gọn, đến hôm nay họ hẹn trả kết quả”, một người dân cho biết.
Hơn 8h sáng, khu vực sân và lối vào khu nhà làm việc của Trung tâm đã xếp đầy xe máy của người dân đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Đứng đợi xếp hàng, nắng nóng hầm hập, nhiều người lao động nháo nhác hỏi cách thức làm thủ tục và chia sẻ khó khăn cuộc sống sau khi bị nghỉ việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ tháng 5, mặc dù các doanh nghiệp đã khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nhưng vẫn gặp khó khăn nên số người lao động được nhận trở lại làm việc không nhiều. Dự báo, số người lao động đến nộp hồ sơ sẽ tiếp tục ngày càng tăng so với những tháng trước.
Từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình có khoảng 1.500 người tới nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trước đó, hơn một tháng qua, Trung tâm này đã tiếp nhận 15.000 hồ sơ xin nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng 40% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, mỗi ngày còn tiếp nhận giải quyết khoảng 894 người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến thông báo về tình trạng tìm kiếm việc làm.
Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: hiện mới chỉ có 172 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng khoảng 2.500 chỉ tiêu.
“Trong khoảng chục ngày nay, do tình trạng nắng nóng nên tâm lý người lao động cũng muốn đi sớm để tránh buổi trưa và buổi chiều nên số lượng người dồn vào buổi sáng khá đông. Chúng tôi cũng tính toán bổ sung tăng cường lực lượng để làm sao cho ổn định. Trong thời gian tới cũng hy vọng số người đến làm thủ tục sẽ giảm nhưng chắc phải giảm từ từ nên chúng tôi phải tăng cường để làm sao giải quyết cho người lao động nhanh nhất”, ông Thảo cho hay.
Để rút ngắn thời gian làm thủ tục tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ đăng tải hướng dẫn lên website của Trung tâm “vieclamhanoi.net”. Thậm chí, Trung tâm thực hiện thí điểm ứng dụng tải app qua điện thoại để người lao động đăng ký ngày, giờ nộp hồ sơ tại nhà từ trước để không mất công chờ đợi, xếp hàng. Do đó, cùng với việc nhận hồ sơ trực tiếp, Trung tâm còn thực hiện các giao dịch gián tiếp tại các trụ sở chính, cơ sở và điểm/sàn giao dịch việc làm vệ tinh đối với người lao động đến làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Tạ Văn Thảo cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho 17.000 lượt người, giới thiệu cho khoảng 3.500 người tìm kiếm được việc làm mới. Ngoài ra, các chính sách, các nhiệm vụ khác liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi đều thực hiện đầy đủ. Trung tâm triển khai 13 điểm vệ tinh để giới thiệu việc làm”.
Sau khi hoàn thành các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người lao động cho biết vẫn chưa vui mừng lắm vì trước mắt cuộc sống vẫn chật vật, mâm cơm gia đình vơi đi vì giá cả một số hàng thực phẩm đang tăng theo giá thịt lợn.
VOV