Hà Nội: Sắp cải tạo chung cư cũ Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh
Hà Nội đề xuất cải tạo, xây dựng lại 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh.
Theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", Hà Nội đặt chỉ tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại.
Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng lại 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Ảnh: Chung cư cũ Thành Công).
3 khu chung cư cũ được đề xuất cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025 là: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh. Đây là các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp độ D (nguy hiểm đặc biệt, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp các hộ dân).
Để cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ trên địa bàn; nghiên cứu định hướng giải pháp quy hoạch theo khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ và các chung cư cũ độc lập nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng giao cơ quan chức năng lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh làm trưởng ban.
Hà Nội cũng đặt vấn đề cải tạo chung cư theo 3 nhóm. Với nhóm 1 (tập hợp các chung cư cũ trong một khu tập thể có quy mô lớn hơn 2ha), ví dụ như khu Thành Công, quy mô khoảng 23ha, dự án cải tạo, tái thiết quy hoạch 1/500 cần đồng bộ giải pháp tái định cư tại chỗ, cho phép xây dựng cao tầng; giải phóng quỹ đất có diện tích đủ lớn để phát triển các chức năng dịch vụ, thương mại, hạ tầng du lịch… có thể đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, đối ứng vốn… kết hợp với khai thác không gian ngầm, các khối đế của các toà nhà.
Các nhà chung cư cũ hiện nay tập trung chủ yếu trong các khu vực nội đô.
Nhóm thứ hai, (mô hình như tiểu khu nhà ở, gồm 5 – 7 chung cư một nhóm, quy mô nhỏ hơn 2ha) sẽ thực hiện tương tự như nhóm 1. Trường hợp diện tích nhỏ, nằm xen cài trong khu dân cư, làng xóm, khó khả thi trong triển khai quy hoạch và khai thác đầu tư, sẽ thực hiện theo nhóm 3 là các chung cư riêng lẻ.
Nhóm này sẽ được thực hiện theo phương thức quy gom tái định cư tại chỗ vào một quỹ đất chung cư hiện có trên địa bàn quận; quỹ đất còn lại để phát triển công trình kinh doanh thương mại dịch vụ và nhà ở trong trường hợp được bổ sung quy mô dân số…
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã có khung pháp lý rất rõ ràng đối với công cuộc tái thiết các khu chung cư cũ, Chính phủ cũng rất ủng hộ chủ trương thực hiện dứt điểm từng khu để đem lại bộ mặt khang trang cho các đô thị.
Trao đổi riêng với DDĐN, TSKH. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để cải tạo chung cư cũ thành công, ngoài quyết tâm chính trị mạnh mẽ cần có cơ chế đặc thù của Chính phủ cho cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội.
Theo ông Nghiêm, các nội dung lớn cần giải quyết gồm: Xác định vai trò của công tác cải tạo chung cư cũ, tỷ lệ các hộ dân đồng thuận, lựa chọn CĐT ra sao, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch có phân cấp cho thành phố hay không? Cơ chế tài chính ưu đãi về thuế, vốn vay, xác định cơ chế đền bù…
"Phải xác lập tiến trình lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ do ngân sách nhà nước thực hiện để tránh lợi ích cục bộ khi lập quy hoạch" - Ông Nghiêm nhấn mạnh.
Diễn Đàn Doanh Nghiệp