MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội sẽ có thành phố sân bay?

Hệ thống đô thị Hà Nội đến năm 2025 có 5 không gian phát triển; đề xuất nghiên cứu hình thành thêm 2 thành phố: Thành phố du lịch ở Sơn Tây - Ba Vì, thành phố sân bay phía Nam khi có sân bay thứ 2 ở Phú Xuyên - Ứng Hòa.

Hôm nay (23/2), tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra phiên họp thẩm định quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sẽ có sân bay thứ 2

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, quy hoạch Thủ đô có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực, được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn. Quy hoạch đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Hà Nội sẽ có thành phố sân bay?- Ảnh 1.

Phiên họp thẩm định quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Hà Nội dự kiến tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô ; đồng thời mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.

Phương án quy hoạch đồng thời để xuất giữ lại hình ảnh Hà Nội xưa qua việc bảo tồn di sản, tôn tạo các khu phố cổ, phố kiến trúc pháp. Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), mở rộng ngoài đô thị trung tâm; hạn chế phát triển đô thị thấp tầng theo mô hình nhà phân lô.

Hà Nội sẽ có thành phố sân bay?- Ảnh 2.

Phương án phát triển mạng lưới giao thông.

Phương án phân vùng kinh tế - xã hội gồm 5 vùng, trong đó quy hoạch vùng Bắc sông Hồng (Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh) làm trung tâm hành chính mới của Thủ đô. Hệ thống đô thị đến năm 2025 có 5 không gian phát triển; đồng thời đề xuất nghiên cứu hình thành thêm 2 thành phố: Thành phố du lịch (Sơn Tây - Ba Vì), thành phố sân bay phía Nam khi có sân bay thứ 2 (Phú Xuyên - Ứng Hoà).

Hà Nội sẽ phát triển trung tâm tài chính khu vực phía Bắc và của Việt Nam, giai đoạn đến năm 2030 có trung tâm tài chính Hoàn Kiếm, sau đó tiếp tục phát triển trung tâm tài chính vệ tinh đặt tại trục Nhật Tân - Nội Bài…

Cần giải pháp đột phá giải quyết tắc đường, ô nhiễm

Góp ý cho quy hoạch Thủ đô, TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - khuyến nghị Hà Nội chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia tăng mức tăng trưởng theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ trong đó có du lịch; cần giải pháp để Hà Nội trở thành cực tăng trưởng của cả nước, phát triển nhanh, bền vững.

TS. Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - chỉ ra mâu thuẫn, Hà Nội đặt mục tiêu là thành phố đáng đến và lưu lại, nhưng giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm không khí, nguồn nước nhiều nơi không đạt chuẩn… Ông Khuê đề xuất phải quyết liệt giải quyết những vấn đề trên, có giải pháp ngay trong nhiệm kỳ này.

Hà Nội sẽ có thành phố sân bay?- Ảnh 3.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Thay mặt hội đồng thẩm định, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận xét giao thông, môi trường, ô nhiễm đang là những vấn rất lớn của Hà Nội. Quy hoạch cần có phương án đột phát, nếu tình trạng tắc giao thông tiếp tục kéo dài, thì không thể đạt mục tiêu thành phố văn minh, hiện đại, đáng sống.

Bản quy hoạch ước tính thiệt hại do tắc đường ở Thủ đô mỗi năm mất 1,2 tỷ USD, chưa tính đến các chi phí cơ hội đối với thời gian tăng thêm do tắc đường và các chi phí do ô nhiễm không khí gây ra từ khói bụi của phương tiện. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng KH&ĐT, con số thiệt hại có lẽ còn lớn hơn, khi mỗi sáng, người dân mất 30-45 phút di chuyển đi làm và chiều về cũng thế. Thiệt hại kinh tế, thiệt hại cho người dân, xã hội rất lớn, theo đó quy hoạch của Hà Nội cần có giải pháp căn cơ, đột phá hơn.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.

Hà Nội còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam chưa đồng bộ, chưa phát triển đúng mức. Quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Địa hình Hà Nội bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.

Muốn phát triển vững mạnh, Bộ trưởng KH&ĐT, chỉ rõ Hà Nội cần xác định những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng.

Được biết, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 18,5% nhu cầu đi lại, thấp hơn nhiều so với các Thủ đô phát triển; phương tiện cá nhân chiếm hơn 80% tổng số chuyến đi.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên