MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội sẽ giảm số dân 4 quận nội đô xuống còn 672.000 người vào năm 2030

23-03-2021 - 08:21 AM | Bất động sản

Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng.

Sáng 22/3, tại UBND quận Hoàn Kiếm, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị công bố 6 Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị với tỷ lệ 1/2000 thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Trước đó, ngày 19/3, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4.

6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700 ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ gần 900.000 dân hiện nay xuống dự kiến còn 672.000 dân vào năm 2030, đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Về quan điểm bảo tồn và phát triển, Quy hoạch tuân thủ theo đúng định hướng Quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Riêng đối với Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng... ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định có liên quan, việc quản lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản Văn hoá và các văn bản pháp luật có liên quan.

Cấu trúc không gian trong các Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc tại khu vực; Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích đô thị: cây xanh, đỗ xe...

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, với việc phát triển theo hướng hạn chế nhà cao tầng, không tăng dân số, các công trình xây dựng trong khu phố cổ được phép xây dựng từ 3 đến 4 tầng (12-16m); khu phố cũ xây từ 4 đến 6 tầng (16-22 m); các khu vực hạn chế phát triển được xây cao từ 5 đến 7 tầng (20-25m).

Cũng theo ông Tuấn, các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý và chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di sản đô thị, phát huy trung tâm đô thị và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội./.

Theo PV

VOV

Trở lên trên