MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội sẽ xây dựng nhiều tuyến đường sắt tốc độ cao

10-05-2016 - 15:26 PM | Bất động sản

Quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới giao thông hiện đại.

Thêm 3 tỉnh vào Vùng Thủ đô

Theo Quy hoạch này, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là các địa phương có tốc độ và tỉ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn Vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng…

Trong đó, Hà Nội với vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hà Nội phải phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia (Trung tâm tài chính Bắc Sông Hồng; Trung tâm hội chợ; Trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây Hồ Tây…), các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc…); Trung tâm văn hoá - lịch sử lớn (Hoàng Thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì…); đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%.

Quyết định cũng nêu rõ trong định hướng phát triển hệ thống đô thị sẽ tập trung phát triển các đô thị, tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai 4, vành đai 5; các trục, hành lang kinh tế như Lào Cai – Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Lạng Sơn – Bắc Giang – Hà Nội, Hà Nội – Hà Nam, Hà Nội – Thái Nguyên.

Xây dựng mới nhiều tuyến đường

Đối với hệ thống giao thông, Quyết định cũng định hướng phải tận dụng năng lực cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, phát huy tối đa lợi thế địa lý của vùng, cải tạo kết hợp làm mới hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không.

Quyết định nêu rõ sẽ xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc trọng tâm kết nối vùng miền; xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội vùng, đường sắt đô thị...

Trong đó, tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đảm bảo tốc độ tàu chạy bình quân 80 – 90km/h đối với tàu khách và 50 – 60km/h đối với tàu hàng. Ưu tiên các tuyến Bắc – Nam, Hà Nội – Hải Phòng, Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn.

Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh, Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách khối lượng lớn, tuyến Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh theo hướng song song với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và đường thủy cũng được định hướng nâng cấp cũng như mở mới đồng bộ và hiện đại sẽ kết nối mạnh mẽ Hà Nội với vùng miền, phát huy thế mạnh vận tải và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Theo Lê Phong

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên