Hà Nội tái ô nhiễm, yêu cầu các bộ ngành khẩn trương thực hiện giải pháp
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với các bộ ngành địa phương đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, Bộ GTVT thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông, Bộ Xây dựng đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường các công trình xây dựng. Hà Nội và TPHCM khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.
Sau hai ngày chất lượng không khí tương đối tốt, từ sáng qua, Hà Nội ô nhiễm trở lại. Trong sáng nay các hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, của Đại sứ quán Mỹ và PAMAir đều ghi nhận chất lượng không khí thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ ở ngưỡng đỏ (chỉ số chất lượng không khí AQI dao động từ 150-200, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người).
Từ cuối tháng 8 đến nay, đặc biệt là trong tháng 12, ô nhiễm không khí nghiêm trọng diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhiều thời điểm, cục bộ chất lượng không khí lên ngưỡng nguy hại, ngưỡng ô nhiễm cao nhất với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Tại cuộc họp liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì ngày 19/12, thống kê cho thấy, ô nhiễm bụi mịn có xu hướng gia tăng những năm trở lại đây, riêng năm 2019, tần suất ô nhiễm không khí gia tăng tại các đô thị lớn.
Sáng nay (24/12), ô nhiễm không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAM Air.
Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với các bộ ngành địa phương đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Bộ GTVT thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông như thúc đẩy dùng năng lượng sạch. Có biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đẩy mạnh vận tải hàng hóa đường bộ sang đường sắt và đường biển.
Yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường các công trình xây dựng. Bộ Công thương tăng cường kiểm soát các nhà máy có phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, thép, hóa chất, phân bón hóa học.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu hai thành phố là Hà Nội và TPHCM nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoach, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm có nguồn gốc phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung. Thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường làm cơ sở cảnh báo , khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.
UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải hoạt động các ngành công nghiệp, xây dựng, dân sinh, đảm bảo phù hợp điều kiện địa phương. Triển khai các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm không khí trên địa bàn trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải.
Tiền phong