Hà Nội: Thêm 3 quận, huyện dừng bán hàng ăn uống tại chỗ
Người dân dán thông báo chỉ bán hàng mang về.
Tính đến ngày 2/1/2022, Hà Nội có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 dừng bán hàng ăn uống tại chỗ. Trong khi đó, quận Đống Đa đã "giảm nhiệt", nới lỏng hoạt động tại 14 phường.
- 15-09-2021Những quận, huyện nào ở Hà Nội được mở hàng "bán mang về" từ 12 giờ 16-9?
- 15-09-2021Nóng: Từ 12h ngày 16/9, một số quận, huyện ở Hà Nội được bán hàng ăn, uống mang về
- 09-07-2021Ảnh, clip: Tấp nập những đơn hàng bán mang về cuối cùng ở Sài Gòn trước giờ giãn cách toàn thành phố
Thêm 3 quận, huyện ở cấp độ 3 dừng nhiều hoạt động
Ngày 31/12/2021, UBND TP Hà Nội đã có thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận, huyện và xã, phường nâng lên cấp độ 3 tiếp tục tăng so với tuần trước đó.
Theo thông báo của UBND TP Hà Nội, hiện thành phố có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam- nguy cơ cao) bao gồm gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân.
Đáng chú ý, so với 2 lần thông báo trước, quận Đống Đa được đánh giá đã "giảm nhiệt", chuyển từ "vùng cam" xuống "vùng vàng". Trong khi đó, 3 quận/huyện tăng nguy cơ so với tuần trước là Thanh Trì, Thanh Xuân và Gia Lâm.
Ngay sau khi UBND TP Hà Nội thông báo, UBND quận Đống Đa đã quyết định nới lỏng các hoạt động tại 14 phường ở cấp độ 2, các cửa hàng ăn uống được phép bán tại chỗ.
7 phường còn lại của Đống Đa, vẫn ở cấp độ 3, sẽ chỉ bán hàng mang về, gồm: Trung Phụng, Kim Liên, Văn Miếu, Thổ Quan, Khâm Thiên, Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa.
Đối với 10 quận, huyện ở cấp độ 3 - nguy cơ cao ở trên, tính đến sáng 2/1/2022, những nơi này đã yêu cầu toàn bộ hoặc một phần địa bàn dừng bán hàng ăn uống tại chỗ, đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Đối với 3 quận, huyện mới được xác định ở cấp độ 3 gồm Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì đã có những quyết định cụ thể.
Trong đó, quận Thanh Xuân yêu cầu từ 12h ngày 3/1/2022 dừng bán hàng ăn tại chỗ, chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h được thực hiện tại 11 phường (bao gồm 6 phường ở cấp độ 3 và 5 phường ở cấp độ 2).
Đối với huyện Gia Lâm và Thanh Trì, việc dừng bán hàng tại chỗ này được thực hiện từ 12h ngày 2/1/2022.
Ngoài ra, các quận, huyện yêu cầu: Không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.
Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm
Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: Cơ sở làm đẹp, mát xa, karaoke (kể cả karaoke loa kéo, quán hát cho nhau nghe), quán bar; trò chơi điện tử, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Riêng đối với dịch vụ cắt tóc được hoạt động, phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 (tuân thủ nghiêm 5K, quét mã QR).
Tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 12 các trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Hoạt động tại các cơ quan, công sở: Hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động làm việc trực tuyến. Quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người đến giao dịch, khách hàng… thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua mã QR, sử dụng phần mềm PC-COVID.
Dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ được phép hoạt động không quá 50% công suất và phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19...
164 người tử vong do Covid-19 ở Hà Nội
Còn theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 50.955 ca mắc.
Trong đó, 17.810 ca tại cộng đồng; 27.163 ca trong khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú, 5.669 ca tại khu phong toả; 100 ca nhập cảnh; 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 51.195 ca mắc, trong đó ghi nhận 17.931 ca tại cộng đồng trên địa bàn TP Hà Nội, 27.182 ca tại các khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú, 5.669 ca tại khu phong toả, khu ổ dịch cũ; 200 ca nhập cảnh và 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 đến nay (11/10 - 18h ngày 1/1/2022) có 46.648 ca mắc (trung bình 562 ca/ngày), trong đó 16.491 ca ngoài cộng đồng (35,35%), 25.246 ca tại khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú (54,12%), 4.867 ca tại khu phong tỏa (10,43%), 44 ca nhập cảnh (0,11%).
Cũng theo Sở Y tế, tính đến 18h ngày 1/1/2022, thành phố có tổng số 1.269 điểm phong tỏa. Số điểm đang còn phong tỏa là 33/1.269 tổng số điểm phong tỏa.
Về số lượng bệnh nhân, tổng số bệnh nhân đã điều trị là 63.598, trong đó, bệnh nhân hiện đang điều trị là 29.431 người. Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 34.821 người.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tổng số người tử vong do Covid-19 (từ 27/4 - nay) là 164 người.
7 siêu dự án hơn 43.000 tỷ hứa hẹn giúp TP.HCM 'biến hình' - sắp tới sẽ hết khổ vì ùn tắc?
Doanh nghiệp và tiếp thị