Hà Nội tìm cách “giải cứu" sông Tô Lịch thành công viên, làm cao tốc ngầm: Các chuyên gia lên tiếng về tính khả thi của dự án
Mới đây, Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) vừa công bố bản phối cảnh 3D mới nhất về đề xuất xây dựng "hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".
Dự án cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên tâm linh, chống ngập và làm cao tốc ngầm
Với mong muốn giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão, JVE Group đã đề xuất cải tạo dòng sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt cho biết, dự án với 2 hợp phần chính, gồm: Hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt
Hợp phần thứ 2 là công viên lịch sử - văn hoá – tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Hai bờ kè đá hộc mái dốc hiện có sẽ được phá dỡ và xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng; xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông tại ví trí mái dốc kè thẳng xuống để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân.
Nói về tính khả thi, ông Tuấn Anh cho rằng, dự án phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải của Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Để triển khai dự án, bắt buộc phải đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô.
Bên cạnh đó, dự án chạm vào quy hoạch không gian ngầm của các khu vực nội đô sẽ được bổ sung vào dự án.
"Nó nằm trong chủ trương rồi nhưng chưa là dự án cụ thể, lần này chúng tôi có đề nghị TP đưa vào dự án cụ thể trong quy hoạch không gian ngầm Thủ đô", ông Tuấn Anh nói.
Không ảnh hưởng đến công trình trên mặt đất và tâm linh sông Tô Lịch?
Về nguồn vốn của dự án, ông Tuấn Anh tiết lộ, đơn vị đã có cuộc gặp mặt và trình công văn, tài liệu đến Chính phủ Nhật Bản, sau đó phổ biến đến Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam cũng như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại Việt Nam thì nhận được sự ủng hộ của các cơ quan của nước này.
Tuy nhiên, để dự án chính thức sử dụng nguồn vốn ưu đãi ODA của Nhật Bản, đơn vị thụ hưởng theo quy trình là UBND TP Hà Nội. Đây là đơn vị đầu mối sẽ gửi đề xuất cho JICA Việt Nam, sau đó JICA Việt Nam sẽ gửi cho JICA Nhật Bản từ đó thành lập dự án hỗ trợ kỹ thuật làm việc với các đoàn nghiên cứu gồm các chuyên gia. Đoàn nghiên cứu sẽ làm việc với UBND TP Hà Nội bàn chi tiết về tính khả thi, kĩ thuật và tất cả các vấn đề liên quan dự án này.
Sông Tô Lịch có điểm đầu từ Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu) nhập vào sông Nhuệ, tổng chiều dài gần 13km
Sau khi có kết quả, đoàn nghiên cứu sẽ gửi về văn phòng JICA Việt Nam, JICA Việt Nam sẽ chuyển qua JICA Nhật Bản và thông báo kết quả cho UBND TP Hà Nội thông qua văn bản của JICA Việt Nam.
Tiếp đến, UBND TP Hà Nội sẽ thống nhất, nghiên cứu ra ra văn bản để trình Bộ Kế hoạch&Đầu tư, Bộ Tài chính để xin ý kiến của Thủ tướng. Sau đó, Việt Nam sẽ có công hàm chính thức tới Đại sứ quán Nhật Bản để trình thư đề nghị cấp vốn viện trợ ưu đãi ODA.
"Chúng tôi đã có văn bản trình các lãnh đạo Nhật Bản, trong đó có đề xuất tại Công viên - Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh có đoạn không gian văn hoá Nhật Bản (đoạn đầu nguồn). Khu vực này, chúng tôi mạnh dạn đề xuất được viện trợ không hoàn lãi", ông Tuấn Anh nói thêm.
Về phần công trình liên quan đến lịch sử Việt Nam cũng như hầm ngầm chống ngập, cao tốc ngầm bên dưới sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhật Bản.
Phối cảnh 3D nằm trong dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên văn hóa, tâm linh
"Về nguồn vốn ODA Nhật Bản sẽ hỗ trợ chúng ta tối đa. Tuy nhiên, sẽ không được 100% nên cần phải sử dụng thêm một phần nguồn vốn trong nước. Chúng tôi đã đề xuất khi xây dựng công trình từ không gian văn hoá Nhật Bản đến 18 triều đại xuyên suốt lịch sử Việt Nam có rất nhiều dòng họ.
Về không gian văn hoá Nhật Bản, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến 2 nước, họ rất sẵn lòng ủng hộ, đóng góp phần tài chính nào đó để trang bị cho công viên.
Còn khu vực liên quan đến lịch sử các triều đại Việt Nam, các dòng họ như Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẵn lòng muốn tham gia để xây dựng triều đại của chính dòng họ liên quan đến mình", ông Tuấn Anh nhận định.
Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm, trên cơ sở tham khảo các nước quốc tế và mục tiêu được lãnh đạo thành phố xác định, chậm nhất đến năm 2025 sẽ khởi công, đến năm 2030 là hoàn thành vì sẽ thi công đồng thời cả phần trên, dưới.
Chủ tịch JVE Group lấy ví dụ về hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm của Malaysia có chiều dài là 11,5km tương đương với ý tưởng hầm chống ngập sông Tô Lịch (chiều dài 11,6km), nước bạn sử dụng đồng thời 2 máy khoan từ 2 đầu và gặp nhau ở giữa thay vì dùng 1 máy khoan từ đầu đến cuối nguồn nên tiết kiệm được 1 nửa thời gian. Điều này đã làm Malaysia hoàn thành công trình trong thời gian 4,5 năm.
Hình ảnh 3D thiết kế hầm ngầm chống ngập, kết hợp cao tốc ngầm của hệ thống và phía trên là công viên Tô Lịch
"Dự án này có thuận lợi rất lớn là tất cả những phạm vi của công viên chỉ xây dựng bên trong của 2 bên sông, hoàn toàn không phải giải phóng mặt bằng nhà dân ở 2 bên nên tiến độ có thể theo đúng lý thuyết, mục tiêu đề ra. Điều quan trọng, khi không phải giải phóng mặt bằng sẽ tiết kiệm được nguồn lực lớn.
Đáng chú ý với hệ thống chống ngập và cao tốc ngầm, ngay từ đầu, chúng tôi cũng xác định, sông Tô Lịch không phải là dòng sông bình thường. Đây là dòng sông mang giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh nên khi chúng tôi có kế hoạch xây dựng chúng tôi đã xác định không xây ở dưới lòng sông mà xây ở bên dưới phần đường đã có và độ sâu trên 30 mét nên không ảnh hưởng tới móng nhà các công trình bên trên và long mạch con sông Tô Lịch", ông Tuấn Anh thông tin.
Chuyên gia nói gì?
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên tâm linh, chống ngập và làm cao tốc ngầm của JVE là độc đáo, táo bạo.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc khôi phục sông Tô Lịch được một phần nào đó trong điều kiện cho phép đã là điều rất đáng hoan nghênh.
Theo ông Quốc, sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường, bởi nếu tiếp cận về mặt tâm linh, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng.
Giáo sư - Nhà sử học Lê Văn Lan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đánh giá, đây là một dự án kỳ vỹ, tức là lạ và lớn, không chỉ là việc cứu vớt cho dòng sông đang bị ô nhiễm này mà còn làm đẹp, làm vui, làm tốt cho dòng sông này; không gian văn hóa lịch sử của dòng sông này và cả những giá trị biểu tượng và tâm linh nữa. Vì thế, chắc chắn lịch sử, dân tộc, đất nước, trông đợi sự thành công của dự án này.
Giáo sư - Nhà sử học Lê Văn Lan
"Tuy nhiên, hiện nay, dự án mới đang ở ý tưởng, từ ý tưởng đến thực tiễn còn vô vàn những điều khó khăn, phức tạp. Do vậy, tôi cầu chúc cho dự án sớm thành công chứ không phải dừng ở ý tưởng. Để những giá trị văn hóa, tâm linh tại sông Tô Lịch sớm được phục hồi, thể hiện một cách chính xác và hữu hiệu", GS Lê Văn Lan nói.
Tiến sỹ - Kiến trúc sư (TS. KTS) Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa và hầm chống ngập, cao tốc ngầm là ý tưởng mạnh mẽ, đột phá bởi dòng sông đã gắn liền với những sự kiện lịch sử, truyền thuyết.
Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đây không phải vấn đề mới, cách đây gần 30 năm, Hà Nội đã đặt ra và đã có định hướng, quy hoạch chi tiết, tổ chức không gian truyền thống của sông Tô Lịch.
"Trong tổ chức các khu đô thị và dự án xung quanh sông Tô Lịch và các quyết định về cải tạo, chỉnh trang sông Tô Lịch của TP Hà Nội đã đề cập đến không gian công cộng với những yêu cầu như dự án của JVE nhưng mới thực hiện được một số, còn những vấn đề vướng mắc thuộc yếu tố khách quan, chủ quan. Vậy nên dự án lần này phải kế thừa các nghiên cứu trước đây", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, cần chú ý đến yếu tố văn hoá tâm linh, nhất là trước yêu cầu của công nghiệp, văn hoá mới hiện nay cần phải thận trọng để có lộ trình và giải pháp thích hợp.
"Tôi ví dụ một số không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay, điển hình là vườn hoa Lý Thái Tổ, các chuyên gia phải mất 4-5 năm mới nghiên cứu xác định được. Còn dự án của JVE nêu tất cả không gian của 18 triều đại lịch sử Việt Nam là điều khó khăn, cần phân bổ thời gian hợp lý", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Mô hình tổng thể hệ thống hầm ngầm chống ngập, kết hợp cao tốc ngầm của hệ thống
Riêng về ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch, ông Nghiêm cho rằng, nên học bài học kinh nghiệm của nước ngoài nhưng cần chọn lọc để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cựu Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đánh giá, ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên tâm linh, chống ngập và làm cao tốc ngầm rất quý giá.
Tuy nhiên, so với điều kiện thực tế của Hà Nội cần có nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng. Về vốn, cần phải huy động thêm nguồn vốn trong nước, không chỉ dựa hết vào nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
"Về kĩ thuật, hiện nay chưa có đường ống nào đi qua được sông Tô Lịch nên cần phải tách riêng công trình đường nước thải và đường thoát nước mưa ra. Nếu chỉ thoát nước mưa mà không thoát nước thải thì công trình này phải nối với Sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
Theo GS Hồng, đề xuất của JVE là rất tốt khi cải tạo 1 dòng sông chết. Nhưng, cần suy nghĩ có nên tách cao tốc ngầm và hầm ngầm chống ngập ra không để dự án có tính khả thi hơn?
"Nói đến đường hầm, chúng ta phải quan tâm đến địa chất, địa hình. Hà Nội hiện nay chưa có đường hầm qua sông còn ở TP. HCM có hầm Thủ Thiêm rồi. Lý do Hà Nội chưa có bởi tầng địa chất ở vùng Đồng bằng sông Hồng khác Đồng bằng sông Cửu Long.
Phía JVE có nêu ví dụ về Malaysia làm hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm thành công, họ nên giới thiệu chi tiết về dự án này để phía Việt Nam phân tích, rút ra kinh nghiệm nhưng nên lưu ý địa hình, địa chất của Malaysia cũng khác Hà Nội", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận định.
Dưới đây là clip và hình ảnh mô phỏng công viên tâm linh, hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm:
Clip: Phối cảnh 3D của Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh trên dòng sông Tô Lịch
Toàn cảnh tuyến hầm ngầm
Toàn cảnh tuyến cao tốc ngầm
Mô phỏng dòng nước chảy vào bể điều áp
Phối cảnh lối vào cao tốc ngầm tầng trên và tầng dưới
Hệ thống cửa thoát hiểm khi xả nước hoặc xảy ra sự cố.
Hệ thống điều hành tại trung tâm điều khiển
Khi xảy ra sự cố
Hệ thống hầm ngầm dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dạo dọc Công viên Lịch sử văn hoá, tâm linh Tô Lịch, sau đó chảy vào 9 giếng thu nước được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông, được kết nối với nhau bởi một đường hầm ngầm có đường kính D16,8m. Hầm ngầm dẫn nước chảy về một bể điều áp khổng lồ ở cuối tuyến (gần đập Thanh Liệt). Bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước chứa từ bể điều áp sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống máy bơm với công suất 200m3/s sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập.
Cũng liên quan đến dự án trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP đã giao nhiệm vụ cho các sở ngành nghiên cứu đề xuất trên.
Sông Tô Lịch trước đây vốn từng là một phân lưu của sông Hồng đưa nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ… Sông Tô Lịch ngày nay có điểm đầu từ Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu) nhập vào sông Nhuệ, tổng chiều dài gần 13km.
Sông có các nguồn cấp nước chính từ nước Hồ Tây, sông Lừ, nguồn nước mưa, nước thải… dọc hai bên bờ sông. Trong hệ thống thoát nước Hà Nội, lưu vực Tô Lịch có mật độ dân cư rất cao. Nước thải sinh hoạt phát sinh đổ vào hệ thống sông Tô Lịch gây ô nhiễm nhiều năm qua, khiến dòng sông lịch sử trở thành dòng sông chết.
Trong quá trình phát triển đô thị hóa, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét trong khu vực nội đô đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thoát nước chung của TP, có giá trị lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và môi trường.
Hiện trạng các sông hiện đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay TP chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả, triệt để. Do vậy, công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là phục hồi, "làm sống lại sông Tô, Kim Ngưu, Lừ, Sét".
"Việc xây dựng hầm ngầm kết hợp giao thông để tăng khả năng thoát nước của lưu vực với trận mưa đạt 500mm là có cơ sở trong bối cảnh thực trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra như hiện nay. Đồng nghĩa với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của sông Tô Lịch theo hướng trở thành một tuyến cảnh quan trong đô thị.
Chức năng thoát nước của sông Tô Lịch được thay thế bằng hệ thống hầm ngầm dọc theo sông. Những nội dung đề xuất này cần được các sở, ngành của thành phố nghiên cứu đề xuất, tiếp cận có định hướng tốt. Thậm chí là tham khảo các ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học. Chắc chắn là đề xuất này cần được nghiên cứu để điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tới đây", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Tổ Quốc