Hà Nội vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết để phòng Covid-19
Hà Nội tiếp tục yêu cầu hạn chế tập trung đông người trong việc hiếu, hỉ và dừng hoạt động các quán dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, không để quán nước vỉa hè hoạt động.
- 16-08-2020Lịch trình phức tạp của nam nhân viên ngân hàng ở Hà Nội mắc COVID-19 dù lần đầu âm tính
- 16-08-2020Nhân viên ngân hàng vừa phát hiện nghi mắc Covid-19 ở Hà Nội đi những đâu?
- 16-08-2020Thêm 11 ca mắc mới COVID-19, Hà Nội có 1 bệnh nhân
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ngày 14/8 đã ký công văn về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài cộng đồng.
Hạn chế tập trung đông người (không quá 30 người) tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết.
Hạn chế tập trung đông người trong việc hiếu, hỉ; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; không để quán nước vỉa hè hoạt động.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách công cộng, lái xe và người trên xe phải đeo khẩu trang, bố trí dung dịch sát khuẩn và thực hiện vệ sinh sát khuẩn tay. Các phương tiện vận chuyển hành khách phải được vệ sinh khử khuẩn theo quy định.
UBND TP yêu cầu hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người khi chưa cần thiết; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; tăng cường các hoạt động trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm như: khử khuẩn phòng họp, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn.
Thành lập và duy trì triển khai các tổ "giám sát và tuyên truyền phòng chống Covid-19 tại cộng đồng" ở các tổ dân phố hoặc thôn, bản và khu dân cư.
Phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính phải khẩn trương khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định; đồng thời tổ chức truy vết, xác định ngay các trường hợp F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế.
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với các trường hợp từ thành phố Đà Nẵng và các khu vực có dịch của các tỉnh, thành phố khác (theo thông báo của Bộ Y tế) về từ ngày 15/7; tổ chức cách ly với người đi từ vùng dịch về chưa qua 14 ngày.
Những trường hợp qua 14 ngày thì tuyên truyền, vận động người dân tự cách ly, làm việc tại nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Trường hợp thật cần thiết, khi ra ngoài phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Tính đến ngày 14/8, Hà Nội rà soát được trên 100.000 người trở về từ Đà Nẵng, trong đó hơn 77.000 về từ ngày 15 đến 29/7.
Gần 30.000 người được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Trong số này, gần 20.000 người có kết quả và đều âm tính. Việc lấy mẫu xét nghiệm PCR vẫn đang tiếp tục được tiến hành.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận 8 trường hợp mắc Covid-19. Ngoài ra, có 1 trường hợp nghi nhiễm tại quận Thanh Xuân cũng đã được phát hiện trong ngày 16/8.
Pháp Luật và bạn đọc