Hà Nội: Vì sao UBND quận Tây Hồ chưa xác minh nguồn gốc đất?
Gần 1 năm trôi qua, dù nhiều lần ông Nguyễn Văn Tiến gửi đơn khiếu nại, UBND quận Tây Hồ vẫn chưa xác minh, làm rõ nguồn gốc đất, nảy sinh bức xúc trong dân bởi quyền lợi bị “treo”.
Quận khẳng định “đất lấn mương” thiếu cơ sở
Theo ông Nguyễn Văn Tiến (tổ 16, cụm 2, phường Xuân La, quận Tây Hồ), gia đình ông là hộ nông nghiệp thuộc Đội 7, HTX Xuân La, được HTX giao khoán một số diện tích đất nông nghiệp. Đến năm 2009, dự án đường vành đai 2 triển khai, Hội đồng Đền bù và Giải phóng mặt bằng quận Tây Hồ tiến hành đo đạc xác định hộ ông Tiến chỉ còn 119,02m2. Đến năm 2014, diện tích đất này tiếp tục bị thu hồi, thế nhưng quận Tây Hồ lại thông báo đất của hộ ông Tiến là đất lấn ra mương công nên không được hưởng chính sách đền bù.
Sau các nội dung khiếu nại của ông Tiến, quận Tây Hồ có nhiều văn bản khẳng định diện tích 119,2m2 của hộ ông Tiến không được bồi thường, hỗ trợ về đất là đúng quy định tại thời điểm phê duyệt phương án.
Trong khi đó, ngày 24/10/2014, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La xác nhận lại nguồn gốc đất của gia đình ông Tiến là đất nông nghiệp đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ, đền bù. Tuy nhiên, UBND quận Tây Hồ cho rằng 119,02m2 là diện tích gia đình sử dụng ra mương công và bác văn bản đề nghị của phường Xuân La một cách thiếu căn cứ.
Để làm rõ nguồn gốc đất nói trên của ông Tiến, phóng viên Báo Thanh tra đã xác minh tại HTX Việt Triều nơi ông Tiến tham gia với tư cách xã viên. Biên bản làm việc ngày 9/11/2012 với đại diện HTX Việt Triều khẳng định: “Năm 1986 - 1987, HTX có giao khoán 10 đất nông nghiệp cho gia đình ông Tiến. Trong quá trình canh tác sản xuất, gia đình ông Tiến có hiến một phần diện tích đất để làm mương tiêu thoát nước, thực chất đây là đất nông nghiệp được giao của gia đình. Trước đây khi thành lập bản đồ, do ông Tiến đã nhường một phần đất để làm mương; kèm theo địa hình nơi này ruộng trũng nên đã thể hiện nhầm trên bản đồ là mương. Đây là đất nông nghiệp của ông Tiến”.
Hơn nữa, làm việc với Chủ nhiệm HTX Việt Triều, vị này cũng nêu rõ: “Mảnh đất nói trên của ông Tiến đúng đất nông nghiệp được lưu trong cuốn sổ bộ thuế gốc 2001”.
Đây là căn cứ rõ ràng nhất để xác định nguồn gốc đất của ông Tiến là đất nông nghiệp. Do đó, việc khẳng định “119,02m2 đất của ông Tiến là đất lấn mương” của UBND quận là thiếu căn cứ và không thuyết phục.
Sao không xác minh nguồn gốc đất?
Quyết định thu hồi đất số 3592/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch quận Tây Hồ Đinh Trọng Sơn kí ban hành ngày 25/11/2009 nêu rõ: Việc thu hồi 376,55m2 (2 mảnh) đất nông nghiệp do hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiến đang sử dụng tại Khu Ngô Đông và Khu Con cua, phường Xuân La để xây dựng tuyến đường vành đai 2 trên địa bàn quận Tây Hồ. Trong đó, mảnh 1 là 119,02m2, mảnh 2 là 257m2. Cả 2 mảnh đều là diện tích đất nông nghiệp do tổ công tác phường Xuân La lập ngày 5/6/2009 và 24/6/2009.
Sổ bộ thuế của HTX Việt Triều chỉ rõ 119,02m2 đất của ông Tiến là đất nông nghiệp. Ảnh: TA
Văn bản một lần nữa khẳng định thửa đất mà ông Tiến khiếu nại có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp. Điều 2 Quyết định 3592/QĐ-UBND còn nêu rõ trách nhiệm: “Giao Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND phường Xuân La, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư phát triển Giao thông Đô thị Hà Nội có trách nhiệm căn cứ vào hồ sơ và xác nhận nguồn gốc đất của UBND phường Xuân La tổ chức thực hiện công tác bỗi thường hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.
Thế nhưng, khi giải phóng mặt bằng toàn bộ 119,02m2 đất của ông Tiến lại bị cho là đất lấn mương và không được hỗ trợ, bồi thường khiến nảy sinh những bức xúc và hoài nghi về tính công bằng, chính xác trong hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án đường Vành đai 2.
Vụ việc đã kéo dài hàng năm nay, thế nhưng UBND quận Tây Hồ vẫn không giải quyết triệt để. Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Tây Hồ xác minh lại nguồn gốc đất một cách chính xác để làm cơ sở hỗ trợ, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, góp phần giải quyết đơn thư khiếu nại từ cơ sở.
Thanh tra