Hà Nội yêu cầu nâng tiêu chuẩn đá lát vỉa hè
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các quận hiện đang sử dụng đá mable (đá hoa) Thanh Hóa cần nghiên cứu tăng chiều dày viên đá so với thiết kế mẫu, đồng thời tuân thủ nghiêm 3 bước kỹ thuật lát đá.
- 06-06-2020Vỉa hè Hồ Gươm có gì đặc biệt sau khi lát đá hoa cương?
- 12-12-2019Cuối năm, Hà Nội lại đào đường lát đá vỉa hè, phố phường bụi mù mịt
- 09-04-2019Ảnh: Vỉa hè lát đá độ bền 70 năm, mới dùng 2 năm đã vỡ vụn
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản về việc bảo đảm chất lượng thi công lát đá vỉa hè. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý chất lượng các dự án lát đá vỉa hè, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, trên cơ sở thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức rà soát lại thiết kế và chủng loại vật tư, vật liệu để tăng cường chất lượng sử dụng đá lát, nâng cao tuổi thọ công trình, đồng thời, bảo đảm thiết kế cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia...
Các quận hiện đang sử dụng đá mable (đá hoa) Thanh Hóa cần nghiên cứu tăng chiều dày viên đá so với thiết kế mẫu bởi nhóm đá mable có độ bền uốn, độ cứng vạch bề mặt... nhỏ hơn nhóm đá granit rất nhiều.
Trong hồ sơ mời thầu, cần quy định rõ các tiêu chí về vật liệu thi công là cơ sở để xét thầu, đặc biệt là vật liệu đá lát. Đá lát hè sử dụng đá tự nhiên phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm đá granit và nhóm đá hoa về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn.
UBND các quận, huyện, thị xã lưu ý quản lý, kiểm soát nguồn gốc các loại đá lát, phương pháp khai thác đá, tránh trường hợp đá nhập về công trình nhiều viên đã có hiện tượng bị nứt vỡ, sứt mép...
Về quy trình thi công, UBND các quận, huyện, thị xã tuân thủ nghiệm thu tại 3 bước thi công.
Chỉ triển khai lát hè khi đáp ứng yêu cầu phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền...). Lưu ý đơn vị thi công xung quanh các hố ga, miệng cống, ống cấp thoát nước... phải bảo đảm kín khít, tránh hiện tượng rò rỉ nước làm rút cát, nền đất gây sụt lún mặt nền lát hè. Toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt bảo đảm theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông.
Bê tông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định; bảo đảm độ dốc, cao độ vỉa hè theo thiết kế; lấy mẫu kiểm tra cường độ bê tông theo quy định và phải nghiệm thu trước khi chuyển bước thi công lát đá.
Các viên đá lát phải được kiểm tra bảo đảm yêu cầu trước khi lát. Đối với các vị trí lát đá sát các gốc cây, tủ điện, cột điện, hố ga, các góc cong... phải được thi công bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Với các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế cụ thể bó gốc cây bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây xanh.
Ngoài ra, việc thi công phải bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường; phế thải xây dựng phải được dọn sạch ngay trong đêm sau khi kết thúc thi công.
Trước đó, tập thể lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Xây dựng thành lập Đoàn công tác kiểm tra chặt chẽ công tác thi công, lát đá vỉa hè trên các tuyến phố, yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về độ dày của đá lát, chỉ được thi công lát đá khi đã hoàn thành hạ cáp ngầm và trồng xong cây xanh, tránh tình trạng đào lên lát lại gây bức xúc dân sinh, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Tiền Phong