Hạ tầng phát triển, bất động sản Quảng Trị hút nhà đầu tư
Để có sự phát triển đột phá về kinh tế, Quảng Trị chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược; trong đó, ưu tiên dự án có quy mô và vốn lớn vào vùng ven biển. Quảng Trị đang có dòng vốn hơn 3 tỷ USD ồ ạt đổ vào hạ tầng sân bay, đường cao tốc khiến vùng đất này hứa hẹn sẽ gây chú ý trong năm 2019 tại khu vực ven biển Miền Trung.
Cụ thể, Ngày 26/9 vừa qua, tập đoàn Đại chúng TPI Polene Power Thái Lan - Một trong 6 tập đoàn lớn nhất Thái Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOA) với UBND tỉnh Quảng Trị về đầu tư và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Hai bên nhất trí phối hợp nghiên cứu, hợp tác phát triển các dự án: Tổ hợp hóa dầu và công nghiệp sản phẩm dầu khí (nếu được Chính phủ cho phép); Tham gia nghiên cứu phát triển điện khí từ nguồn khí trong nước và nhập khẩu (nếu được Chính phủ cho phép); Xây dựng sân bay Quảng Trị theo mô hình PPP (hợp tác công-tư); Tham gia nghiên cứu, hợp tác để triển khai cảng biển nước sâu; Công nghiệp phụ trợ, cơ sở sản xuất nội thất từ gỗ rừng trồng; Điện gió trên mặt biển…
“Dự án Sân Bay Quảng Trị đã được phê duyệt theo quyết định số 236/ QĐ- TTg của thủ tướng chính phủ, cảng hàng không dân dụng Quảng Trị sẽ được đặt ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh có quy mô 311.7ha với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng”, Đại diện Tập đoàn TPI cho biết. Trước đó tập đoàn FLC cũng quan tâm, khảo sát và đặt đặt vấn đề với Quảng Trị về đầu tư sân bay nếu tỉnh đáp ứng được quỹ đất sạch và chính sách phù hợp.
Ngoài sân bay Quảng Trị, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Trị dài 182 km (đoạn qua Quảng Trị dài 35 km) dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2019. Khi hoàn thành dự án này sẽ nối thông với dự án cao tốc La Sơn – Tuý Loan sắp hoàn thành và tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác. Tổng quy mức đầu tư tuyến cao tốc này gần 1 tỷ USD.
Trong khi đó, Dự án Đường trung tâm Khu kinh tế ven biển Đông Nam dài 23,5km, đi qua 7 xã của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, có mức đầu tư 700 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 6/2019. Đây là dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn vào Khu kinh tế ven biển Đông Nam.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã và đang khảo sát, tìm hiểu đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Đông Nam như: Tập đoàn Điện lực miền Tây Hàn Quốc đang xúc tiến đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2, Công ty Gazprom của Nga đang triển khai đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340MW, Công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc; Liên doanh các nhà đầu tư quốc tế: VSIP của Singapore, Amata của Thái Lan, Sumitomo của Nhật Bản, Korea Land & Housing Corporation của Hàn Quốc… đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, năng lượng, cảng biển.
Đối với khu vực ven biển phía Đông Bắc, tỉnh Quảng Trị ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng; trong đó tập trung đầu tư vào “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ, thành một trong những khu vực trọng điểm về du lịch biển của cả nước.
“Tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn; trong đó, Tập đoàn FLC đang xem xét đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng ở vùng ven biển từ Cửa Tùng đến Cửa Việt, có quy mô hàng trăm ha. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn AE đã đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort – Cửa Tùng, có diện tích trên 36ha, thực hiện từ năm 2018 – 2021. Dự án có các hạng mục như: Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách…
Đánh giá về sự phát triển mạnh mẽ của những thị trường BĐS nghỉ dưỡng vài năm trở lại đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao của CBRE Việt Nam cho biết sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các điểm du lịch mới nổi giàu tiềm năng sẽ là "cú hích" cho thị trường bất động sản du lịch biển trong vài năm tới.