MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ tầng quyết định sự thịnh vượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để phát huy tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề cấp thiết nhất là đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tẩng. Đó là ý kiến các chuyên gia tại Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế do Báo Xây dựng, phối hợp UBND TP. Cần Thơ tổ chức.

Hạ tầng quyết định sự thịnh vượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ "đánh thức" tiềm năng phát triển của vùng ĐBSCL. Ảnh PK

Hạ tầng vẫn nhiều điểm nghẽn

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng.

Để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Quy mô, chất lượng, sự phân bố hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, thoát nước, chất thải rắn, thông tin liên lạc, truyền tải và phân phối năng lượng… sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố các ngành sản xuất và các lĩnh vực kinh tế quan trọng trong xã hội.

Việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động.

"Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng.

Tỷ lệ đầu tư hoàn thiện Hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước; hệ thống cơ tầng kỹ thuật Vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Hạ tầng quyết định sự thịnh vượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Ảnh Hoàng Giám

Triển vọng đầu tư nhiều lĩnh vực

"Với yêu cầu cấp thiết đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, khu vực ĐBSCL có rất nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị đang chờ  nhà đầu tư", đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Biên tập Báo Xây dựng.

Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí khoảng 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.

Cùng với đó là Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT cùng 13 địa phương vùng ĐBSCL cũng đã xây dựng 16 đề xuất dự án đầu tư hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng.

"Từ các công trình dự án trên, hàng loạt tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng; kết nối vùng với TP. HCM ; nhiều dự án đô thị được nâng cấp mở rộng, tiềm năng kinh tế của vùng sẽ được đánh thức", ông Mai nhận định.

Theo Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thế giới chỉ dành 20% GDP đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhưng Việt Nam dành gấp đôi tỷ lệ này đầu tư cho giao thông, điều này đang mở ra cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 cần 2 triệu tỷ đồng đầu tư cho giao thông, trong đó có 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho đường bộ. Riêng ĐBSCL đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn này cần trên 119.000 tỷ đồng cho 11 dự án lớn. Tuy nhiên, vốn ngân sách chỉ có khả năng bố trí khoảng 50%, phần còn lại chủ yếu là huy động xã hội hóa.

Cũng theo ông Lực, để giải quyết nguồn vốn đầu tư theo nhiều nước trên thế giới là từ 4 nguồn vốn chính, đó là:

Thứ nhất là vốn tự có của nhà đầu tư chiếm từ 15 - 20%, thứ hai vốn vay ngân hàng từ 40 - 45%, thứ ba vốn nhà nước ngân sách và trái phiếu do địa phương phát hành chiếm từ 20 - 25%; thứ tư là nguồn vốn huy động quốc tế, quỹ đầu tư 15 - 20%.

Như vậy, cơ hội dành cho nhà đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông là rất lớn.

"Để thu hút được nguồn vốn đầu tư PPP thì cần phải tháo gỡ một số vướng mắc trong thực thi Luật PPP theo hướng cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư phải tốt hơn; đảm bảo nguồn ngoại tệ đầu tư vào và chuyển lợi nhuận ra khỏi quốc gia thuận lợi; nâng cao năng lực thẩm định, thi công dự án.

Cùng với đó là phải cơ cấu lại ngân hàng phát triển theo hướng, trở thành ngân hàng chủ lực trong đầu tư; thành lập quỹ tài chính xanh để khuyến khích các dự án thân thiện môi trường", ông Lực đề xuất.

Theo Phú Khởi

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên